- Ô, hôm nay mồng mười tháng Mười mà cô.
- Thôi chết rồi, cô quên. Hôm nay Tết cơm mới. Bây giờ ngoài phố còn ít người nhớ cái Tết này lắm cháu ạ.
Thế là cả một bầu trời ký ức bỗng ùa về mênh mang.
Ngày ấy, khoảng những năm giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, đám trẻ con Hà Nội chúng tôi hầu hết đều phải xa cha mẹ, đi sơ tán khỏi thành phố.
Tôi hồi ấy còn nhỏ lắm, chỉ độ 6-7 tuổi chi đó. Về quê mới đi học vỡ lòng. Lúc rảnh, tôi cũng theo đám anh chị em và lũ trẻ hàng xóm ở quê đi mót lúa bên đồng trong, mót khoai ngoài bãi sông Đáy hoặc mò hến ở con mương gần nhà. Một hôm đang mải mê mót lúa, tôi nghe thấy đám trẻ rủ nhau về sớm ăn cỗ. Tôi ngạc nhiên: Cỗ gì thế? Nhà ai có giỗ mà tất cả lại cùng về?
- Mày không biết hôm nay là Tết cơm mới à? Đúng là nông dân cày đường nhựa.
Trở về làng hôm ấy cùng đám trẻ làng quê, tôi cũng được thím Hai gọi sang nhà chia cho một nắm cơm nếp đỗ xanh chim chim bằng độ quả trứng gà. Chắc thím Hai cũng nhớ cúng Tết cơm mới, nhưng con cháu ở Hà Nội về sơ tán quá đông, nên chả xoay xở được, có được chút đó thôi.
Tết cơm mới mùng mười tháng Mười âm lịch, bây giờ nhiều nhà chả còn nhớ, kể cả những gia đình ở nhiều vùng nông thôn. Nhưng mà ngày xưa, người người đều trông ngóng. Ấy là khi lúa mùa đã gặt vãn, rạ rơm vừa lên đống. Các nhà thổi xôi mới, cơm mới, giết gà, luộc thịt, làm mâm cơm canh dâng cúng gia tiên, cảm ơn các bậc tiền nhân đã phù hộ cho một vụ mùa mưa thuận gió hòa, lúa má đầy bồ, đầy cót. Bữa cơm vui mùa vàng no ấm sau bao tháng ngày vất vả bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mới ấm cúng, hỉ hả làm sao.
Tôi lớn lên, lập gia đình riêng, làm dâu đất Tiền Hải, Thái Bình.
Có một vụ gặt mùa, vợ chồng tôi cũng thu xếp đem các con về quê thăm bố mẹ. Ngày ấy công nhân, sinh viên học sinh đi học xa vẫn còn được cơ quan hay nhà trường cho phép nghỉ về quê gặt mùa giúp gia đình mấy ngày.
Bữa cơm chiều đầu đông vừa tắt nắng dọn ra ngay bậc thềm gạch trên hai chiếc chiếu cũ. Mọi người cười nói lao xao. Hai mâm đầy đặn. Thịt gà luộc, cơm nếp trắng, dưa cải muối chua, cá kho vùi bếp rạ. Tôi hỏi mẹ chồng: Quê mình cũng có Tết cơm mới à mẹ?
- Ôi dào, tết nhất gì đâu. Có các anh các chị sang gặt, đập, phơi phóng đỡ. Rồi vợ chồng các con về. Gà vườn nhà, thóc ruộng nhà. Trước thắp hương các cụ, sau con cháu ăn. Nhà nào chả thế.
Ô mà cái cơm gạo quê mới gặt, mới xay giã, thổi bếp rơm chín nục, nó mới ngon ngọt, thơm tho làm sao. Người nào người nấy, ăn ba bốn bát mà chả đừng được. Mấy đứa cháu nhỏ còn tranh nhau vầng cháy cơm vàng rượi. Miếng to miếng bé. Chí chóe khắp sân nhà.
Vợ chồng tôi nay cũng đã qua tuổi lục tuần, ông xã hay đau yếu. Việc về quê cũng thưa thớt dần.
Một ngày tháng Mười, nghe TV đưa tin đây đó gặt mùa, máy tuốt lúa chạy ầm ầm tại ruộng, lòng bất chợt xao xuyến, bâng khuâng.
Lại ao ước một ngày nào đó, dứt công dứt việc, nhờ các con chở xe về Tiền Hải, ăn bữa cơm mới bên bậc thềm ngôi nhà ngói cũ thân thương.