Nguyên nhân chính của hiện tượng hàng ngàn tấn hàu chết tại huyện Tiên Yên được xác định do độ mặn của nước cao (28-30 0/00), mức độ phù du là thức ăn của hàu thấp (200-340 tế bào/lít), cộng với ký sinh trùng đơn bào (giống với Bonamia pp) xâm nhập lúc hàu gầy, yếu, sức đề kháng giảm.
Cũng theo nghiên cứu của cơ quan chuyên môn, các thông số môi trường nước khác như nhiệt độ, độ kiềm… đều nằm trong giới hạn cho phép. Hàu nuôi không bị nhiễm ký sinh trùng Perkinsus - là yếu tố gây nên dịch bệnh và phải công bố theo quy định của Bộ NN&PTNT.
Sở NN&PTNT đề nghị đối với những bè còn hàu sống, hạ độ sâu dây nuôi hàu xuống dưới 2m; san thưa dây nuôi hàu, hạn chế tối đa gây sốc cho hàu; không vận chuyển hàu từ vùng nước có hàu chết sang vùng nước chưa xuất hiện hàu chết.
Với bè hàu đã chết, chủ hộ nuôi cần thu gom toàn bộ dây hàu, vỏ hàu lên bờ xử lý bằng vôi bột và chôn, tuyệt đối không cắt dây hàu bỏ xuống biển.
Tạm thời dừng thả nuôi hàu trong 6 tháng để môi trường phục hồi và các tác nhân gây bệnh trong môi trường giảm.
Trước khi thả giống mới cần phải kiểm dịch con giống tránh tình trạng hàu bị nhiễm bệnh từ giai đoạn giống.
Được biết, ngày 28/4, huyện Tiên Yên công bố quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản để người dân biết và có hướng phát triển.
Trước đó, như Tuổi Trẻ đã thông tin, từ cuối tháng 3 đến nay, tại 5 xã thuộc huyện Tiên Yên bắt đầu xảy ra tình trạng hàu nuôi bị chết với tỉ lệ lên tới 70-80%. Hàu chết có khối lượng 0,2-0,25kg/con với các biểu hiện hàu gầy, mang chuyển sang màu vàng, phần thịt hàu xuất hiện nốt sần cứng, màng áo có hiện tượng khô, sần và xơ cứng.
Hàu chết chủ yếu ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch với khối lượng lên tới gần 5.500 tấn, thiệt hại khoảng 82 tỉ đồng.
Theo Tuổi trẻ