Ngày 26/10, Sở TN&MT Bình Thuận cho biết đã có báo cáo kết luận xác định nguyên nhân cây chết, nước giếng nhiễm mặn, đất bị ngập úng và nhiễm mặn tại khu vực gần bãi xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Theo báo cáo, tháng 2/2017, khu vực quanh bãi xỉ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân có tình trạng cây trồng lâu năm và hoa màu bị chết, nước giếng nhiễm mặn làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Phân tích mẫu nước ngầm tại đây cho thấy hàm lượng Clorua vượt 1,2 đến 1,8 lần, đất bị nhiễm mặn.
Viện Môi trường và Tài nguyên đã khảo sát và nghiên cứu kết luận nguồn nước, đất nhiễm mặn là do con người. Những đống cát từ quá trình thi công các dự án Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đổ bừa bãi tại khu vực này. Đây là cát có nguồn gốc ven biển mang theo hàm lượng muối nhất định, trong quá trình mưa đã gây nhiễm mặn tại khu vực.
Riêng cây trôm của 5 hộ dân (4,63 ha) chết là do ngập úng, những khu vực cây chết là vùng đất bị ngập không nhiễm mặn. Cây trôm bị thối rễ, trụi lá hoặc có lá những bộ rễ bị thối rễ có mùi hôi.
Khu vực quanh bãi xỉ than Nhiệt điện Vĩnh Tân có hiện tượng cây chết. |
Kết quả khảo sát thực tế kết hợp phân tích bản đồ địa hình đã xác định được khu vực bị ngập úng cục bộ với diện tích khoảng 13,2 ha. Nguyên nhân là lượng mưa tăng đột biến, hệ thống cống thoát nước kém. Những bãi xỉ làm thay đổi địa hình tự nhiên, thay đổi chế độ dòng chảy bề mặt và dòng chảy ngầm ngang qua khu bãi xỉ, dẫn đến sự dồn đọng nước tập trung về khu vực trũng thấp phía tây bãi xỉ và gây ra ngập úng.
Sở TN&MT Bình Thuận tiếp tục báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và đề nghị Tổng Công ty Phát điện 3 thực hiện các giải pháp để hạn chế tình trạng ngập úng, ngăn ngừa việc nhiễm mặn. Xác định mức độ thiệt hại của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng và đề xuất biện pháp hỗ trợ để sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân tại khu vực.
Theo Zing