Công viên nghĩa trang trong quần thể danh thắng
Khu nghỉ mát Tam Ðảo được phát hiện và xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 19. Ðến năm 1940, Tam Ðảo đã là một "đô thị" trên núi. Bên cạnh đó, nằm trong quần thể này là khu danh thắng, di tích Tây Thiên nơi con người có thể đến với Phật về với Mẫu. Do vậy, theo một số người dân, việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc có chủ trương thu hồi đất tại huyện Tam Đảo để giao cho Công ty CP Đầu tư Bình Minh Xanh (Công ty Bình Minh Xanh) triển khai xây dựng nghĩa trang không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Tam Đảo, mà còn gây ảnh hưởng đến đời sống, phong tục của người dân địa phương. Vì lẽ đó, người dân đã nhiều lần đề nghị, không quy hoạch xây dựng Công viên nghĩa trang trên địa bàn.
Một góc núi Ngang dự kiến được xây dựng công viên nghĩa trang |
Trước đó ngày 4/1, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Tờ trình số 02/TTr-UBND do ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đề nghị cho triển khai quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo). Nội dung Tờ trình thể hiện, từ tháng 6/2016, Công ty Bình Minh Xanh có văn bản đề xuất với UBND tỉnh dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang. Dự án dự kiến có tổng vốn đầu tư 685 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý I năm 2017 đến năm 2025. Địa điểm thực hiện dự án được nhắm tới là 153ha đất tại khu núi Ngang, trong đó đất dự kiến xây nghĩa trang chiếm khoảng 105,5ha. Nghĩa trang dự kiến có 70.000 mộ phần cải táng và 2 triệu ngăn lưu tro cốt hỏa táng cùng đài hỏa táng đáp ứng được quy mô mộ phần nêu trên.
Đáng nói, địa điểm dự kiến xây nghĩa trang chính là khu vực rừng phòng hộ mà Nhà nước đã giao các hộ gia đình, cá nhân nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ từ năm 2002.
Dân phản đối
Như đã biết, rừng phòng hộ vốn có vai trò, vị trí quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế tác động tiêu cực của bão, lụt, hạn hán, xói mòn đất, bảo vệ bờ biển, chống cát bay, tránh tình trạng sa mạc hoá, bảo vệ nguồn nước, nhất là đối với những tác động rủi ro trong xu thế biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp hiện nay. Bởi vậy, việc giảm diện tích rừng phòng hộ, kể cả giảm do chuyển sang các loại rừng khác cũng cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng để tránh những hậu quả khôn lường từ thiên nhiên.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Tiến Quý (SN 1964, trú tại thôn Trại Mái, xã Bồ Lý) cho biết, núi Ngang có địa hình cao nhất so với các khu vực trong xã. Do đó, việc xây công viên nghĩa trang ở đây có thể khiến mạch nước ngầm và nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm và khiến đời sống, công ăn việc làm của người dân bị đảo lộn. “Người dân chúng tôi rất mong chính quyền cân nhắc kỹ trước khi quyết định cho dự án được triển khai. Tam Đảo là khu nghỉ dưỡng, nay xuất hiện chình ình cái nghĩa trang thì ai còn đến nữa?”, ông Quý chia sẻ.
Trong khi đó, ông Tô Văn Hùng (ở xã Bồ Lý) cho biết, những năm qua, trước các kỳ họp hội đồng nhân dân, cử tri huyện Tam Đảo và cử tri xã Bồ Lý liên tục bày tỏ ý kiến phản đối việc quy hoạch xây dựng công viên nghĩa trang trên địa bàn các xã của huyện nói chung và tại xã Bồ Lý nói riêng. Bởi lẽ, theo định hướng phát triển, Tam Đảo là huyện trọng điểm về du lịch của tỉnh, quỹ đất của huyện còn lại rất hạn hẹp và vị trí điểm quy hoạch xây dựng công viên nghĩa trang lại gần khu dân cư. “Chúng tôi không muốn môi trường nơi mình sinh sống bị ô nhiễm. Người dân mong UBND tỉnh xem xét không triển khai dự án này”, ông Hùng nói.
Theo Gia Đình và Xã Hội