Trước sự phát triển vượt bậc của y học, UNESCO đã tiên phong xây dựng một khuôn khổ đạo đức toàn cầu, nhằm định hướng sự phát triển và ứng dụng công nghệ thần kinh có trách nhiệm, bảo vệ quyền con người trong kỷ nguyên số.
Từ ngày 22 - 26/4, 24 chuyên gia đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm khoa học thần kinh, trí tuệ nhân tạo, luật pháp, triết học và đạo đức đã tập trung tại Paris (Pháp) để thảo luận về các nguyên tắc đạo đức cần thiết, hướng tới phát triển và sử dụng công nghệ thần kinh có trách nhiệm. Dựa trên kết quả của nhóm chuyên gia, UNESCO sẽ chủ trì thảo luận với 194 quốc gia thành viên về việc thông qua khuôn khổ này vào cuối năm 2025.
Năm 2021, Ủy ban đạo đức sinh học quốc tế của UNESCO đã công bố báo cáo mang tên "Các vấn đề đạo đức của công nghệ thần kinh", xác định những mối đe dọa tiềm ẩn mà công nghệ thần kinh có thể gây ra đối với các quyền và tự do cơ bản của con người, bao gồm tính toàn vẹn của não bộ và bản sắc cá nhân.
Báo cáo nhấn mạnh rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thần kinh, đặc biệt là với sự ra đời của Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh), đòi hỏi cần chú trọng hơn nữa đến vấn đề đạo đức. Generative AI có khả năng tạo ra các mô hình và dữ liệu thực tế, điều này có thể được sử dụng để tạo ra các ứng dụng thần kinh tinh vi hơn và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
UNESCO xây dựng tiêu chuẩn đạo đức cho công nghệ thần kinh. Ảnh: Technology Networks |
Nhận thấy thiếu hụt khuôn khổ đạo đức để điều chỉnh lĩnh vực công nghệ thần kinh đang phát triển nhanh chóng, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã đề xuất tạo ra một công cụ thiết lập tiêu chuẩn nhằm bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản. Sáng kiến này đã được các quốc gia thành viên UNESCO nhất trí thông qua tại phiên họp lần thứ 42 của Đại hội đồng tổ chức diễn ra vào tháng 11/2023.
Nguy cơ và tiềm năng của công nghệ thần kinh
Rối loạn thần kinh, bao gồm các bệnh như Alzheimer, Parkinson và đột quỵ, hiện là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và khuyết tật trên toàn cầu. Gánh nặng của những bệnh này đặc biệt nặng nề ở các khu vực nghèo nhất thế giới.
Công nghệ thần kinh có tiềm năng to lớn trong việc giúp điều trị các rối loạn thần kinh. Ví dụ, các giao diện não-máy có thể giúp phục hồi chức năng cho những người bị liệt, trong khi các phương pháp điều trị kích thích não bộ có thể mang lại hy vọng mới cho những người mắc các bệnh như Parkinson và Alzheimer.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thần kinh cũng đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn đáng kể đối với các quyền cơ bản của con người. Một số chuyên gia lo ngại rằng công nghệ này có thể được sử dụng để xâm phạm quyền riêng tư về tinh thần, thao túng suy nghĩ và cảm xúc của con người, thậm chí kiểm soát hành vi của họ.
Sử dụng công nghệ thần kinh phù hợp với đạo đức và nhân quyền
Mặc dù việc ứng dụng công nghệ thần kinh trong y tế đã được quy định bởi các tiêu chuẩn đạo đức sinh học nhưng việc sử dụng nó cho mục đích thương mại đang gia tăng nhanh chóng mà không có sự kiểm soát đầy đủ, dẫn đến nhiều lo ngại về mặt đạo đức. Ví dụ điển hình là tai nghe thông minh, giúp người dùng theo dõi các chỉ số sức khỏe. Tuy nhiên, những thiết bị này cũng thu thập dữ liệu thần kinh, tiềm ẩn nguy cơ cho phép các công ty hoặc chính phủ xây dựng hồ sơ chi tiết về cá nhân, từ đó lạm dụng thông tin và thao túng họ.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thần kinh cũng đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn. Ảnh: ibanet.org |
Sự phát triển của công nghệ thần kinh đã mở ra khả năng tiếp cận thông tin về não bộ con người một cách dễ dàng hơn bao giờ hết. Điều này dẫn đến việc dữ liệu thần kinh trở thành một "mặt hàng" được săn đón, không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn cả trong thị trường tiêu dùng.
Tiếp thị thần kinh, sử dụng phân tích thông tin thần kinh để hiểu rõ hơn về sở thích và quyết định của người tiêu dùng, đang gia tăng phổ biến. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền riêng tư tinh thần và quyền tự do tư tưởng.
Sáng kiến xây dựng khuôn khổ đạo đức cho công nghệ thần kinh là một phần trong nỗ lực lâu dài của UNESCO nhằm thúc đẩy đạo đức khoa học và đảm bảo rằng khoa học được sử dụng cho lợi ích của nhân loại.
Tổ chức này đã đi đầu trong việc thiết lập các khuôn khổ đạo đức toàn cầu cho các lĩnh vực nghiên cứu khoa học quan trọng khác, bao gồm: Bộ gen người (1997), Dữ liệu di truyền con người (2003), Đạo đức sinh học và nhân quyền (2005), Trí tuệ nhân tạo (2021).