Theo bà Đỗ Thị Khánh Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hải Phòng, thành phố cùng một số địa phương khác có Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là Ca trù và Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Hiện ở Hải Phòng, nghệ thuật Ca trù được hồi sinh mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ với số lượng hội viên tham gia Câu lạc bộ Ca trù ngày một nhiều hơn.
Chương trình Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hải Phòng được UNESCO ghi danh góp phần giáo dục, nâng cao trách nhiệm bảo tồn, lan tỏa giá trị di sản cho các thế hệ về lòng yêu nước, tự hào với truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc của dân tộc nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng.
Đây cũng là dịp biểu dương và ghi nhận sự đóng góp của các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân, ca nương trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị di sản văn hóa phi vật thể; qua đó nêu cao ý thức trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ, và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống cộng đồng, cho hôm nay và các thế hệ mai sau.
Theo Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng, đây là năm thứ hai thành phố tổ chức trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể của thành phố được UNESCO ghi danh. Chương trình là dịp để các nghệ nhân kết nối gần hơn với công chúng và quảng bá, giới thiệu rộng rãi tới nhân dân, du khách những giá trị văn hóa đã trường tồn cùng dân tộc, thành phố.
Chị Hà Minh Thư, du khách đến từ Hà Nội cho biết rất ấn tượng với chương trình trình diễn Ca trù và Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Các nội dung trong chương trình đều mang hơi thở của cuộc sống hiện đại do đó rất cuốn hút, nhất là các tiết mục trong phần Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Nhiều người Việt Nam quen với âm nhạc, hình thái biểu diễn của tín ngưỡng này trong dịp đầu xuân, tuy nhiên, rất ít người biết về nguồn gốc và giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian này.