1. Cách đây 2 năm, vợ của anh bạn tôi bị một chiếc "xe biển xanh" tông vào. Chiếc xe này đương nhiên bỏ chạy. Phải bằng vài ba quan hệ, chúng tôi mới tìm ra anh lái xe. Và anh này chỉ chịu xin lỗi khi biết đó là vợ một nhà báo.
Cả tuần nay, mạng xã hội ồn ã vì một clip dài hơn 8 phút quay cảnh chiếc xe "biển xanh" (sau này xác định là xe của Ban Kinh tế Trung ương) gây tai nạn và bỏ chạy. Cuộc đua nghẹt thở của nhóm thanh niên qua nhiều tuyến đường và cực kỳ nguy hiểm. Trong quá trình “chạy trốn”, "xe biển xanh" đã va chạm với một số phương tiện khác. Cuối cùng nhóm thanh niên đó cũng lôi được ông lái xe (Cảnh sát xác định có vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện) và đưa về Công an quận.
Chiếc xe biển xanh gây tai nạn bỏ trốn hôm 11/12. (Ảnh cắt từ clip) |
Trước sự việc ồn ào trên mạng và các báo, Ban Kinh tế Trung ương đã ra thông cáo báo chí thừa nhận lái xe "có hơi men" đó là nhân viên Văn phòng Ban. Lái xe này đã xin lỗi, bồi thường cho nạn nhân, bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi do bị mất bình tĩnh đã gây ra vụ việc trên. Dù sự việc tương đối rõ ràng nhưng văn bản này cũng chỉ cho biết hướng giải quyết: Văn phòng Ban Kinh tế Trung ương đang tiếp tục phối hợp với cơ quan công an làm rõ sự việc và sẽ xử lý nghiêm theo quy định đối với lái xe và sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí sau khi có kết quả xử lý sự việc.
2. Tháng 3 năm nay, trong dự thảo Thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông có một điều hướng dẫn cảnh sát xử lý tình huống khi gặp tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp. Cụ thể, nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó vẫn hoạt động được, đủ điều kiện tham gia giao thông thì lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản rồi "giải quyết cho đi".
Sau khi nhận được nhiều góp ý của nhân dân và báo chí về nội dung được cho là "ưu ái" lái xe của cán bộ cao cấp khi xảy ra tai nạn giao thông, Thiếu tướng Trần Thế Quân (Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an) cho biết sẽ "điều chỉnh theo hướng lược bỏ toàn bộ". Việc điều chỉnh dự thảo thông tư nhằm phù hợp với thực tế, yêu cầu công vụ, vừa đảm bảo công bằng và tránh dư luận không tốt", ông Quân nhấn mạnh.
VnExpress dẫn lời Thiếu tướng Quân cho rằng, thông tư sẽ điều chỉnh để quy định cụ thể những trường hợp được ưu tiên khi giải quyết, chứ không bắt buộc mọi trường hợp liên quan tai nạn, cảnh sát giao thông đều giữ lại phương tiện. "Tuy nhiên việc này chỉ áp dụng với những vụ va chạm nhẹ trên đường, còn tai nạn tới mức gây chết người thì phải chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra, lúc đó không thuộc phạm vi của Thông tư", ông Quân nói.
3. Trở lại clip truy đuổi lái xe Ban Kinh tế Trung ương gây tai nạn kia. Thú thực là tôi không thể hưởng ứng việc các thanh niên rùng rùng phóng xe bạt mạng đuổi theo 1 chiếc xe hơi. Và đã có ít nhất 1 tai nạn xảy ra trên con đường đua tử thần đó. Nhưng sẽ làm sao nếu những thanh niên kia không chặn được chiếc xe "biển xanh". Vụ tai nạn do chiếc xe "biển xanh" gây ra có thể rơi vào quên lãng. Vì khác với xe biển trắng có thể tra trên tàng thư của Cục Đăng kiểm, thông tin về "xe biển xanh" thuộc rất khó tìm kiếm. Và nhiều khi, kết quả kiểm tra theo phản ánh của người dân về "xe biển xanh" vi phạm lại ra kết quả "biển số giả".
Gõ "xe biển xanh vi phạm giao thông" trên Google, sẽ ra gần 1 triệu kết quả. Ngoài vụ xe của Ban Kinh tế Trung ương (tháng 12/2016) còn có hàng loạt vụ việc được đưa lên báo (chưa tính những vụ đã được giải quyết ổn thỏa hoặc nhân dân không đuổi kịp) mà gần đây nhất là chiếc xe "biển xanh" của Tổng cục Hải quan chạy ngược chiều trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP HCM) vào ngày 15/9.
Dân gian đồn rằng, với miễn tử kim bài mang tên "biển xanh", phần lớn lái xe công phớt lờ luật giao thông và các quy định pháp luật. Thế nên, Trịnh Xuân Thanh đã phải cậy cục bằng nhiều mối quan hệ để đeo tấm biển xanh cho chiếc xe "mượn của thằng em".
4. Khi còn làm ở một cơ quan có "xe biển xanh" tôi đã chứng kiến một lãnh đạo yêu cầu tất cả lái xe bỏ đèn ưu tiên được lắp sai quy định. Kể cả xe chuyên dùng cho Thủ trưởng đơn vị. Một lãnh đạo khác thì phản ứng khá rõ ràng khi tài xế vượt quá tốc độ: Ông xuống xe đi taxi và phạt thi đua tài xế tháng đó. Kết quả là, 100% tài xế cơ quan trở nên "ngoan hiền" khi tham gia giao thông dù vẫn điều khiển những chiếc xe biển 80 đó.
Vấn đề là không phải cơ quan nào cũng có những vị lãnh đạo cương quyết như vậy. Chỉ vài lần lãnh đạo tặc lưỡi trước những sai phạm của lái xe, rất có thể sẽ có thêm nhiều nguy hiểm xảy ra trên đường. Và có thể, chúng ta sẽ trở thành khán giả bất đắc dĩ của những đoạn phim Fast and Furious "made in Vietnam" như đoạn phim truy đuổi lái xe của Ban Kinh tế Trung ương kia.