So với nhiều nhà văn cùng thời, Trang Thế Hy là người viết rất ít. Khi còn làm việc ở Hội Nhà văn TPHCM, thỉnh thoảng ông mới in một truyện trên báo. Số đầu sách ông viết cũng ít nhưng cuốn nào ra đời cũng tạo nên dư luận trong làng văn. Ông khó nhọc mài từng chữ và dường như ông viết cho những người chủ động tìm đọc Trang Thế Hy chứ không phải viết cho những người đọc thụ động theo kiểu truyền miệng: sách này hay đọc đi!
Bởi văn của ông Tư Sâm (tên gọi thân mật của Trang Thế Hy) như nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc: “Trang Thế Hy là người chăm chút đi tìm những cái đẹp nhỏ nhoi, lẩn khuất, bị bỏ quên, hoặc ở trong những góc hẻo của cuộc đời, hoặc bị vùi trong bùn đất của nghèo khốn”. Và cũng theo Nguyên Ngọc: “Mới đọc anh thường có cảm giác anh viết rất dễ, thực ra tôi cho đó là một cảm giác đánh lừa, để viết được như vậy, anh nắm kỹ trên từng chữ chẳng thua gì ông Nguyễn Tuân kia đâu”.
Đại chúng biết đến nhà văn Trang Thế Hy qua bài hát “Quán bên đường”do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ "Cuộc đời"của ông ký bút danh Minh Phẩm. Hẳn nhiên thôi, vì bài hát được ca sĩ trình diễn, thu âm dễ lan tỏa hơn những dòng chữ nằm im trên sách báo. Bài thơ này in trên báo Vui sống năm 1959 tại Sài Gòn do nhà văn Bình Nguyên Lộc thực hiện.
Chân dung nhà văn Trang Thế Hy do danh họa Nguyễn Trung vẽ. |
Nguyên gốc bài thơ có tên “Đắng và ngọt”, nhưng Bình Nguyên Lộc cho rằng cái vị của cuộc đời đa dạng lắm chứ không chỉ có đắng và ngọt nên sửa lại tên bài thơ. Năm 2009, NXB Thanh Niên in tập thơ song ngữ “Đắng và ngọt”, đây cũng là tập thơ đầu tay của ông Tư Sâm. Năm 2014, tập thơ này được NXB Trẻ mua bản quyền cùng với 65 truyện ngắn và 2 tiểu thuyết của Trang Thế Hy; “Đắng và ngọt”được dịch lại sang tiếng Anh chỉnh chu hơn so với bản dịch năm 2009.
Một dạo nhiều người có nhầm lẫn đôi chút khi cho rằng bài thơ “Đắng và ngọt” là của nhà văn Bình Nguyên Lộc sáng tác tự in trên báo của mình. Sự nhầm lẫn này cũng có lý do, vì thời điểm bài thơ in trên Vui sống, nhà văn Trang Thế Hy đang ở trong chiến khu. Người đang ở trong chiến khu thì ít ai viết như thế này: “Nghe anh theo nghề viết, / Nghệ thuật là gì em muốn biết. / - Mùi tanh nói mùi thơm, / cây bút cầm trên tay: cần câu cơm. / Đó, em ơi! Nghệ thuật:/ Nhắm mắt, quay lưng chào sự thật. / Rồi đôi ta nhìn nhau/ Không ai đánh mà nghe đau”.
Còn khi phổ nhạc, Phạm Duy đã chỉnh sửa đôi chút để hợp với khuôn nhạc: “Rồi em hỏi anh: làm chi? / Cầm bút để viết ngày đêm, viết gì? / Ðời thối phải nói là thơm / Ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm / Em hỏi nghệ thuật là chi? / Là đui, là điếc, là câm mà đi / Nhìn nhau lặng lẽ nhìn nhau / Nào có ai đánh mà sao lòng đau”. Bài hát “Quán bên đường” được nhiều ca sĩ thể hiện, đặc biệt qua giọng ca Thái Thanh đã đi vào lòng nhiều thế hệ người nghe.
Những người cầm bút trong làng văn Nam Bộ, mỗi khi nói chuyện với nhau nhắc đến nhà văn Trang Thế Hy, thường lặp lại cụm từ này của ông: “Đi chỗ khác chơi”. Nguyên văn cụm từ này được ông viết trong tác phẩm “Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn”, đây cũng chính là thái độ tự trọng khi cầm bút của ông: “…Nếu như con nổi tiếng con phải nghe lời chú Tư dặn nghe con, là khi nào biết mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút và tuyệt đối đừng để người hâm mộ mình đọc những câu lếu láo, nhớ chưa?”.
Từ phải qua: 3 nhà văn cùng thế hệ Trang Thế Hy, nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà và nhà văn Nguyễn Quang Sáng dự đám giỗ nhà văn Sơn Nam năm 2013 tại Nhà lưu niệm Sơn Nam ở Tiền Giang. Lúc này, cả ba ông đều ngoài 80 tuổi, được xem như những đại thụ của văn học Nam Bộ. Nhà văn Trang Thế Hy càng lớn tuổi càng không muốn chụp hình, vì theo ông “tốt khoe xấu che”, ông không muốn độc giả thấy ông là một ông già ốm yếu không được đẹp. Hình này được chụp ông với hai nhà văn khác nên ông không thể từ chối. Giờ cả ba ông đã gặp nhau ở một thế giới khác. Ảnh: Hoàng Nhân. |
Tháng 10/1992, nhà văn Trang Thế Hy về hưu và ông đã “đi chỗ khác chơi” đúng nghĩa ẩn cư đến khi qua đời. Ông đã trả lại căn nhà mà Nhà nước cấp trong khu tập thể văn nghệ sĩ nằm trên một con đường ngay trung tâm TPHCM. Nơi đây có nhiều nghệ sĩ tên tuổi cùng lưu trú. Sau này, khu nhà được hóa giá và các nghệ sĩ thống nhất bán, mỗi hộ chia được một khoảng tiền rất to. Nhiều người thấy tiếc cho ông Tư Sâm, nếu ông không “đi chỗ khác chơi”, thì cũng được một khoảng tiền rất lớn để không phải sống thanh bần trong căn nhà cấp bốn giữa vườn dừa ở quê nhà Bến Tre.
Nhà văn Trang Thế Hy (29/10/1924 – 8/12/2015) tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh tại Hữu Định, Châu Thành, Bến Tre. Các bút danh khác của ông là Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Vũ Ái Văn, Song Diệp, Minh Phẩm… Ông từng là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn TPHCM trong 2 nhiệm kỳ, Chủ tịch danh dự Hội văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre.
Ông từng được trao tặng các giải thưởng sáng tác như: Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam (1960 – 1965) với truyện ngắn “Anh Thơm râu rồng”. Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện “Tiếng khóc và tiếng hát”. Tặng thưởng loại A của Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tập truyện ngắn “Nợ nước mắt” (2001).
Năm 2014, NXB Trẻ đã ký kết tác quyền trọn đời với nhà văn Trang Thế Hy. Ông trao quyền xuất bản, phát hành cho NXB Trẻ bao gồm 65 truyện ngắn và 2 tiểu thuyết. Cho đến nay, NXB Trẻ đã ấn hành được một số tác phẩm của ông gồm: Vết thương thứ mười ba, Đắng bitter và Ngọt sweet, Nợ nước mắt, Mưa ấm, Tiếng khóc và tiếng hát, Tuyển tập truyện ngắn Trang Thế Hy.