Poster phim Ngày xưa có một chuyện tình |
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mỗi lần ra mắt tác phẩm mới đều trở thành sự kiện xuất bản và phát hành sách với đông đảo bạn đọc xếp hàng dài chờ xin chữ ký của tác giả. Mỗi tựa sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều được in nhiều lần với số lượng cả trăm ngàn bản, con số mà những đồng nghiệp cầm bút luôn mơ ước.
Không những thế, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh còn được các nhà làm phim truyền hình, điện ảnh chọn chuyển thể thành nghệ thuật thứ 7 thu hút người xem. Phim chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh gây tiếng vang lớn, tạo được doanh thu phòng vé rất cao cũng như những giải thưởng điện ảnh, như các phim: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (đạo diễn Victor Vũ), “Cô gái đến từ hôm qua” (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh).
Lâu nay, giữa nhà biên kịch, nhà văn và đạo diễn luôn có những mâu thuẫn khi ai cũng muốn bảo vệ đứa con tinh thần theo cách riêng của những cá tính sáng tạo. Vậy nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có hài lòng với đạo diễn hay không khi xem truyện của mình được khoác lên một hình hài khác là điện ảnh?
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mỗi khi xuất hiện đều được bạn đọc đợi sẵn để xin chữ ký. Hình chụp tại Hội nghị Những người viết trẻ TPHCM hôm 11/10. Ảnh: Thanh Kiều |
Trao đổi với Ngày Nay về bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” vừa ra rạp hôm qua 28/10, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cho biết: “Khi một tác phẩm của tôi được chuyển thể điện ảnh, tôi không băn khoăn nhiều về chi tiết mà quan tâm bộ phim đó có giữ đúng tinh thần và thông điệp của cuốn sách hay không”.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chia sẻ: “Có thể tóm tắt thông điệp của tác phẩm “Ngày xưa có một chuyện tình” bằng hai câu quan trọng trong sách: “Con tim, như lịch sử nhân loại đã chỉ ra, lắm khi vượt đèn đỏ hoặc đi vào đường một chiều. Bởi cũng như con người, con tim luôn có những giới hạn. Nó cũng đầy rẫy những lỗi lầm. Nhưng cho dù như vậy, lỗi lầm của con tim là loại lỗi lầm đáng tha thứ nhất trong các loại lỗi lầm mà loài người mắc phải”.
“Và “Làm người tốt hiển nhiên khó hơn làm người xấu, vì người xấu chỉ đơn giản nhắm mắt tuân theo bản năng thấp hèn và dục vọng thầm kín lúc nào cũng gào réo trong lòng, còn người tốt phải vất vả chế ngự cái bản năng đang mai phục từng giờ và luôn chực chờ tìm cách sổng ra đó. Nhưng khi thắng được chính mình, ta sẽ thấy cuộc sống thật là tươi đẹp”. Có thể nói tôi khá hài lòng với bộ phim vì đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã truyền tải rất tốt thông điệp mà tác phẩm văn học muốn chia sẻ”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cho hay.
Cảnh trong phim Ngày xưa có một chuyện tình |
Không chỉ xem những suất chiếu đặc biệt trước khi “Ngày xưa có một chuyện tình” được công chiếu, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn nắm bắt thông tin về cảm xúc người xem. Nhà văn của lứa tuổi mộng mơ, chia sẻ thêm: “Tôi biết nhiều khán giả đã khóc khi xem phim. Khi bạn khóc vì mối thương tâm, đó là điều tự nhiên. Nhưng khi nước mắt bạn rơi xuống vì sự cao thượng, vì chứng kiến con người ta sống vì nhau, vì sự tử tế đứng cao hơn sự ích kỷ, thì đó là những giọt nước mắt thăng hoa. Chúng ta sẽ tin vào cuộc đời hơn, sẽ có thêm lý do để thấy cuộc sống thật là đáng sống dù bấy giờ nước mắt đã khô đi”.
Không phải đến “Ngày xưa có một chuyện tình” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, trước đây nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng từng cho biết khi truyện của mình được dựng thành phim: “Cảm xúc, gợi nhớ là âm hưởng chủ đạo trong các tác phẩm của tôi, vì hầu hết tác phẩm của tôi đều hướng về tuổi thơ. Tôi từng chia sẻ: “Tuổi thơ đối với tôi là một thế giới đầy ám ảnh. Tôi luôn luôn bắt gặp mình thổn thức khi nhớ về những ngày thơ ấu, ấy là khi tôi nhận ra mình đã ở quá xa sân ga tuổi nhỏ. Và tôi viết những cuốn sách để kéo chúng gần lại”. Đó là lý do tôi viết sách. Tôi đã nói với Phan Gia Nhật Linh, cũng như từng nói với Victor Vũ, rằng nếu phim của bạn chạm được vào cảm xúc của khán giả, kéo khán giả về gần với sân ga tuổi thơ qua từng thước phim của mình là các bạn đã thành công trong việc giữ được tinh thần của tác phẩm văn học”.
NXB Trẻ cũng đã phát hành hai phiên bản sách đặc biệt “Ngày xưa có một chuyện tình” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây là một trong số những tác phẩm được nhiều bạn đọc yêu thích, đã in trên 20 lần với số phát hành hơn 120.000 bản. |
Tôi không xem phim với con mắt của nhà phê bình
Như tôi đã nói, tôi không quan tâm lắm những chi tiết. Và tôi xem phim cũng không xem với con mắt của nhà phê bình. Tôi bước vào rạp với tâm thế của người thưởng thức và điều quan trọng với tôi là phim sẽ đem lại cho tôi điều gì về cảm xúc. Tôi không băn khoăn lắm phim có giống truyện đến từng chi tiết hay không, vì tôi không nghĩ phiên bản điện ảnh chỉ có mục đích đơn giản là minh họa cho truyện. Đạo diễn cũng là một nghệ sĩ sáng tác, giống như nhà văn. Họ có tâm hồn mơ mộng, những hoài bão và khoảng trời sáng tạo của riêng mình, và tôi tôn trọng điều đó. Đối với tôi, phim có hay hay không mới là tiêu chí quan trọng. Nếu từ chất liệu văn học của mình, đạo diễn nhào nặn để cho ra đời một bộ phim hay là tôi cảm thấy hài lòng. – theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh