Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bán hàng đa cấp (BHĐC), trong năm 2017, Bộ Công Thương đã kết thúc điều tra và xử phạt 4 doanh nghiệp BHĐC có hành vi vi phạm pháp luật về BHĐC với tổng số tiền phạt 490 triệu đồng.
Trong đó, Công ty Cổ phần Queenet Quốc tế là doanh nghiệp bị xử phạt với số tiền lớn nhất (240 triệu đồng); tiếp theo là Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (140 triệu đồng), Công ty TNHH World Việt Nam (80 triệu đồng) và Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm (30 triệu đồng). Ngoài ra, Bộ Công Thương đã kết thúc việc kiểm tra hoạt động BHĐC đối với 2 doanh nghiệp và đang tiến hành các thủ tục để xử lý vi phạm của công ty này.
Các hành vi vi phạm của doanh nghiệp BHĐC bị phát hiện và xử lý chủ yếu liên quan đến việc không thực hiện thủ tục đề nghị cấp bổ sung, thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC khi có thay đổi, bổ sung liên quan đến hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động đào tạo người tham gia BHĐC theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9/2017, trên toàn quốc chỉ còn 36 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC), giảm 46% so với cuối năm 2015, trong đó có 1 doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động.
Còn theo tổng hợp số liệu báo cáo của 35 doanh nghiệp BHĐC, tổng số lượng người tham gia BHĐC tính đến hết tháng 6/2017 là 361.592 người, giảm 276.045 người (43%) so với cuối năm 2016.
Tổng doanh thu BHĐC 6 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 3.067 tỷ đồng, tương đương 39% doanh thu toàn ngành năm 2016. Doanh thu BHĐC chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (72%), và mỹ phẩm (25%). Doanh thu từ đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chỉ chiếm 3%.
Đáng chú ý, việc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có quy mô lớn nhất trong hoạt động BHĐC thực hiện chấm dứt hoạt động vào tháng 4/2017 là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người tham gia BHĐC tiếp tục giảm mạnh so với cuối năm 2016 (giảm 43%).
“Hoạt động BHĐC vẫn chủ yếu tập trung vào 2 nhóm mặt hàng chính là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm (chiếm 92% doanh thu, trong đó thực phẩm chức năng chiếm tới 72%). Đây là những mặt hàng rất khó xác định giá trị thật nên rất dễ xảy ra tình trạng giá bán hoàn toàn thoát ly giá trị cũng như giá trị sử dụng”, Bộ Công Thương cho biết.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp BHĐC duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng BHĐC, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia BHĐC; không thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng theo quy định của pháp luật hoặc cung cấp thông tin sai lệch về công dụng của hàng hóa BHĐC nhằm dụ dỗ người tham gia BHĐC...
Để quản lý chặt chẽ hoạt động BHĐC, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục nhiệm vụ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC. Hiện nay Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện Dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới.
Đặc biệt, công tác quản lý cần được tiếp tục tăng cường trên 3 trụ cột: Duy trì thường xuyên hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đặc biệt là ở các địa phương; Hoàn thiện pháp luật về quản lý hoạt động BHĐC và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật tới người dân.
Theo VOV News