"Xương rồng trên cát"

(Ngày Nay) - “Khoan hãy bàn những điều to tát, có cách nào đơn giản nhất mà có thể làm để giúp những người phụ nữ bị bạo hành như thế này không? Tôi là phụ nữ, tôi không thể nói nhiều về phụ nữ. Và đó là vì sao, chiến dịch Xương rồng trên cát ra đời…”
TS Phan Thị Thùy Trâm
TS Phan Thị Thùy Trâm

Tri thức, tình yêu đồng loại, một thiên tính nữ đằm thắm và mạnh mẽ… đã hài hoà trong chị, tạo nên “sức mạnh mềm” có khả năng giúp đỡ và làm lành nỗi đau của những con người yếu thế, bị thương tổn trong xã hội.

Chị là TS Phan Thị Thùy Trâm, Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp xã hội Việt Nam.

– Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế, học luật… vì sao chị lại chọn con đường dấn thân vào một lĩnh vực đầy thách thức là gầy dựng cộng đồng doanh nghiệp xã hội (DNXH) hướng tới những thân phận yếu thế nhất của xã hội?

– Hiện nay ở Việt Nam có 24 triệu người thuộc nhóm yếu thế của xã hội như những người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, người ra tù hoàn lương, người tự kỷ, phụ nữ bạo hành, trẻ em bị mua bán… Con số trên chiếm gần 1/3 dân số, và ám ảnh tôi.

Mỗi người, dù là ai, đều có thể dành trí tuệ, tài năng hay vật lực của mình để giúp đỡ người khác. Kể cả những người có điều kiện hoàn cảnh còn khó khăn nhưng vẫn có thể giúp đỡ người yếu thế hơn mình bằng việc đóng góp thêm tài sản quý giá nhất, đó là thời gian và công sức.

– Là người khởi xướng mạng lưới DNXH, để có thể biến những chồi non mới DNXH trở nên có tầm vóc thực sự đòi hỏi người dẫn đầu như chị một nỗ lực như thế nào?

– Luật pháp Việt Nam đã khai sinh ra khái niệm DNXH, đã tạo ra khung pháp lý cho nó. Đó là một xu hướng đúng, khi hướng doanh nghiệp không chỉ thành công mà còn nhân văn hơn, quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội và môi trường.

Đã có nhiều doanh nghiệp nộp đơn chuyển đổi mô hình sang DNXH. Mới đây, một tập đoàn lớn của Việt Nam đã cam kết sẽ chuyển hoá hai mô hình trường học và bệnh viện của mình thành mô hình DNXH.

Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đang ý thức dần về việc chung tay cùng Chính phủ, cùng cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội. Một sân chơi mới được mở ra, và đó là cơ hội mới.

– Chị có thần tượng của riêng mình không? Ai là người ảnh hưởng lớn nhất đến chị trong việc hình thành nhân cách và giá trị sống?

– Tôi có một số thần tượng của riêng mình, đó là những người sống một cuộc đời khiêm tốn. Họ giỏi và thầm lặng cống hiến cho đời, không hoài nghi.

Một trong những người đó là thầy giáo của tôi ở trường đại học Harvard, GS Paul Farmer, ông không chỉ là một người thầy truyền cảm hứng mà còn là một bác sĩ thầm lặng.

Ông dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình đi đến các nước nghèo như Cuba, Haiti, châu Phi… để chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo.

– Chị còn có trang web của riêng mình với những bài viết kinh tế đa dạng, sắc sảo. Theo chị, làm thế nào để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia khởi nghiệp chứ không chỉ dừng lại ở phong trào? Cách hiểu về startup và cách hoạt động hiện nay của các nhà khởi nghiệp trẻ đang lộ ra những điểm yếu nào?

– Quốc gia khởi nghiệp hiện nay đang là định hướng lớn của Chính phủ và đang là một chủ đề thu hút sự chú ý của nhiều tầng lớp dân chúng. Mọi việc đang mới bắt đầu, kể cả với một phong trào mới, cần chờ thêm thời gian để đánh giá tính hiệu quả của nó.

Bản chất của khởi nghiệp hay startup là bắt đầu thử mình trong một hoạt động kinh doanh, thành bại do thị trường quyết định. Và hiện nay đang có hiện tượng phong trào làm khởi nghiệp thật. Và tôi sợ tính phong trào, vì nó dễ dẫn đến sự ảo tưởng và gắn liền với thất bại khi thiếu các kỹ năng gia nhập thị trường.

"Xương rồng trên cát" ảnh 1

– Những bài phóng sự chị viết về Đoàn Văn Vươn, về những người phụ nữ khắp mọi miền đất nước để lại trong chị một bài học sống quý giá như thế nào?

– Khi ta tiếp cận cuộc đời với góc nhìn thân phận, nó tiếp thêm năng lượng sáng tạo làm hành trang. Bạn làm tôi nhớ về câu nói của Thomas Edison, nôm na là “Chúng ta cứ như những người nông dân chặt từng mảng hàng rào để lấy củi đun, trong khi có thể sử dụng các nguồn năng lượng vô tận: mặt trời, gió và thuỷ triều. Tôi hy vọng con người sẽ không đợi đến khi hết dầu và than mới đi giải quyết việc này”.

– Vấn đề giới, bạo hành phụ nữ… đang trở thành nỗi ám ảnh với phụ nữ Việt Nam, nhất là những phụ nữ nông thôn, miền núi, chị chia sẻ thế nào với những nạn nhân mà mình đã gặp?

– Tôi đã gặp những người phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình. Họ không còn nơi bấu víu phải tìm đến nơi lánh nạn bên ngoài để trốn khỏi người chồng bạo hành, hay tủi nhục vì bị xâm hại tình dục, hay bị dụ dỗ vào một đường dây mua bán người.

Trong họ cũng có ước mơ sâu thẳm trong tim, khát vọng trong từng nét bút run rẩy không thẳng hàng “Tôi khao khát được sống dù cho bế tắc”, “Tôi tin tôi làm được”, “Sống mạnh mẽ tràn đầy tình yêu”, “Mong muốn lớn phụ nữ phải được hạnh phúc”, “Trong tôi luôn có một tia hy vọng là mình không thể chìm được…”, “Hiện tại tôi sẽ quyết định cho bản thân mình vượt mọi gian nan trong cuộc sống”.

Nghĩ cũng kỳ lạ, như có một điều gì đó thôi thúc, tôi để một người lạ bịt mắt đưa đi trong những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo ẩm thấp. Khi tháo khăn ra, trước mắt tôi là một căn phòng đơn sơ, tôi bắt gặp một người phụ nữ mặc áo tím.

Cô tên là Q. 62 tuổi. 40 năm trôi qua, mỗi một năm mới đến được đong bằng những trận bạo hành từ người chồng của mình. Bị chồng đánh đấm suốt ngày dẫn đến hết gãy chân lại gãy tay, gân cốt không còn là người.

Và mới đây nhất, ông ấy cầm dao mèo dài để định chém vợ. Nhờ có người ngăn cản mà cô chạy thoát, thông qua mọi người hướng dẫn tìm được đến chỗ này để tạm lánh.

Xung quanh chúng ta, vẫn còn tồn tại những câu chuyện như thế. Cô nói: “Con ơi, không ai muốn tìm nơi bên ngoài lánh nạn trừ phi đó là bước đường cùng…”

Khoan hãy bàn những điều to tát, có cách nào đơn giản nhất mà có thể làm để giúp những người phụ nữ bị bạo hành như thế này không?

Tôi là phụ nữ, tôi không thể nói nhiều về phụ nữ. Và đó là vì sao, chiến dịch Xương rồng trên cát ra đời…

– Những phẩm chất nào đã giúp chị giữ được vẻ đẹp quyến rũ trong cả cách sống, cách cho đi?

– Ai đó quyến rũ hay không tùy thuộc vào ánh mắt nhìn của người khác. Điều đó nằm ngoài sự cố gắng của mỗi cá nhân.

Tôi cho là, với phụ nữ, đó là sự cân bằng và hài hòa trong đời sống. Thêm một điểm với cá nhân tôi, mỗi sáng thức dậy, tự nhủ trong lòng, hãy cố gắng sống một cuộc đời khiêm tốn.

Kim Yến thực hiện
Theo TGTT

Thị trường làm đẹp cuối năm - Bài 4: Ớn lạnh dịch vụ tiêm môi bằng máu của chân mày phong thuỷ Viên Viên
Thị trường làm đẹp cuối năm - Bài 4: Ớn lạnh dịch vụ tiêm môi bằng máu của chân mày phong thuỷ Viên Viên
(Ngày Nay) - Hút máu quay ly tâm tạo tế bào gốc rồi tiêm vào các bộ phận như môi, mũi, tai… khách hàng là một dịch vụ lạ lùng mà cho đến nay chưa từng có một đơn vị y tế nào ở Việt Nam được phép thực hiện. Dẫu vậy, một hộ kinh doanh chân mày lại đang cung cấp cho khách hàng dù trước đó đã từng bị tố “lừa đảo”.
VinFast ra mắt dòng sản phẩm Green đặc biệt tối ưu cho kinh doanh dịch vụ vận tải
VinFast ra mắt dòng sản phẩm Green đặc biệt tối ưu cho kinh doanh dịch vụ vận tải
(Ngày Nay) - VinFast công bố dòng ô tô điện Green được thiết kế riêng, đặc biệt tối ưu cho kinh doanh dịch vụ vận tải, gồm 4 mẫu xe thuộc các phân khúc khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Trong đó, có hai mẫu xe hoàn toàn mới, lần đầu tiên ra mắt thị trường là Minio Green - xe cỡ nhỏ đô thị và Limo Green - xe 7 chỗ với 3 hàng ghế thoải mái.
Ninh Thuận kỳ vọng vào du lịch đồng quê.
Ninh Thuận kêu gọi "hiến kế" chính sách đột phá cho du lịch
(Ngày Nay) - Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Hòa, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch như: Chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm về du lịch; đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch mới; nâng cấp các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch… cùng với tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.