VinMec và VinSchool chuyển đổi thành phi lợi nhuận - Có lợi cho ai?

(Ngày Nay) - Trên mạng xã hội, nổ ra nhiều tranh luận về thông tin VinGroup chuyển đổi hai hệ thống là Vinmec và Vinschool sang hoạt động phi lợi nhuận. Để có góc nhìn toàn diện về câu chuyện này, hãy bắt đầu bằng những câu hỏi rất đơn giản sau đây.
 
Học sinh Vinschool
Học sinh Vinschool

Mô hình phi lợi nhuận có trong quy định luật pháp Việt Nam không?

Khái niệm mô hình phi lợi nhuận hiện nay không có trong quy định luật pháp Việt Nam, vì vậy trường học phi lợi nhuận hay bệnh viện phi lợi nhuận chưa có quy định nào cả.

Ví dụ như với trường học tư thục, theo quyết định số 70/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ Trường Đại học, chỉ có quy định về mô hình trường đại học không vì lợi nhuận (Not-for-profit) mà thôi. Và với ngành y cũng vậy, chưa có quy định về phi lợi nhuận, chỉ có khám chữa bệnh nhân đạo. Ở đây, cần hiểu rõ Phi lợi nhuận (Non-profit) khác với Không vì lợi nhuận (Not-for-profit).

Mô hình phi lợi nhuận và mô hình miễn phí là giống hay khác nhau?

VinGroup đã khẳng định, phi lợi nhuận không phải là học phí miễn phí, chữa bệnh miễn phí. Hai mô hình này là hoàn toàn khác nhau theo cách giải thích của VinGroup. Đương nhiên từ phía góc độ doanh nghiệp, xã hội không nên coi họ là bầu sữa miễn phí hay quỹ an sinh xã hội của đất nước để ai dùng cũng được. Do không có quy định chuẩn mực nên ai hiểu như thế nào thì hiểu. Và điều này không hẳn đúng như vậy trong kinh nghiệm quốc tế.

Phi lợi nhuận nhưng học phí và viện phí vẫn giữ nguyên. Học phí hay viện phí tăng lên hay giảm đi tùy thuộc vào chiến lược của VinMec và VinSchool.

Về phía người dân, bỏ tiền ra chi trả cho học phí và viện phí, đồng nghĩa với việc người dân đang đầu tư trực tiếp và VinMec và VinSchool, góp phần tạo lập nên tài sản của họ (bệnh viện, trường học, giá trị thương hiệu, cơ sở vật chất khác đi kèm). Đó cũng chính là lợi nhuận tích luỹ của VinGroup. Về mặt gián tiếp thì VinGroup cũng vay vốn rất nhiều từ ngân hàng để đầu tư và ngân hàng thì lại huy động vốn từ dân cư.

Về phía nghĩa vụ với nhà nước, trường học hay bệnh viện tư nhân “phi lợi nhuận” cũng vì do không có quy định nào áp vào, nên hoạt động vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật, đóng các loại thuế và vẫn phải hạch toán thuế như doanh nghiệp thông thường. Lợi nhuận sau thuế hạch toán đưa vào phần tái đầu tư tại trường thay bằng rút ra đầu tư sang nơi khác. Thay vì việc họ mang đi đầu tư vào việc khác hoặc chia cho cổ đông hay nói nôm na là thay bằng bỏ túi phần lợi nhuận đó thì họ tiếp tục đầu tư vào VinMec và VinSchool.

Đây có phải mô hình Doanh nghiệp xã hội không?

Hiện tại, VinMec và VinSchool được coi là doanh nghiệp thông thường. Họ chưa đăng ký chuyển đổi mô hình sang Doanh nghiệp xã hội nên họ không phải là Doanh nghiệp xã hội.

Muốn trả lời được câu hỏi này, cần đối chiếu theo quy định như thế nào là Doanh nghiệp xã hội theo Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Theo đó, tại Điều 10 có quy định Doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

(i) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này;

(ii) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;

(Iii) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Còn mô hình VinMec và VinSchool dự kiến dành toàn bộ 100% lợi nhuận thu được cho các hoạt động tái đầu tư, cao nhất trong mức trên 51% theo quy định. Tuy nhiên, họ phải đăng ký các mục tiêu xã hội hay môi trường nào mà họ định giải quyết cụ thể là như thế nào. 

Và việc thực hiện các mục tiêu này sẽ được giám sát.

VinMec và VinSchool chuyển đổi thành phi lợi nhuận - Có lợi cho ai? ảnh 1Bệnh viện VinMec

Mô hình chuyển đổi này có lợi nhất cho ai?

Cho chính doanh nghiệp. Đơn giản là chủ đầu tư có một định hướng mới mà làm hài lòng cổ đông và nhân viên của họ. Người dân mong chờ điều gì? Miễn phí ư – không có. Học phí giảm ư – không biết vì chưa có. Dịch vụ tốt hơn ư – cái đó thì phải đợi và tự đánh giá.

Một tuyên bố chung không gắn với quy định luật pháp nào. Đơn giản nhất là VinGroup không phải làm thủ tục gì cả vì luật có quy định đâu. Nếu như họ chọn mô hình trường đại học “không vì lợi nhuận” chẳng hạn, thì quy trình thẩm định sẽ không đơn giản chỉ là tuyên bố của doanh nghiệp mà phải qua Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về trường đại học tư thục đó được được thừa nhận về pháp lý là hoạt động “không vì lợi nhuận” hay không.

"Nếu chúng ta chỉ tự mình làm và phát triển theo lộ trình sẽ rất khó thu hút các chuyên gia, các kỹ thuật gia và các nhà công nghệ hàng đầu thế giới tham gia hợp tác. Nhân sự đẳng cấp, trí tuệ của nhân loại là điều kiện tiên quyết để phát triển đỉnh cao, vì vậy chúng tôi quyết định hy sinh lợi ích vật chất của mình. Ngoài ra chúng tôi cũng cho rằng đất nước của chúng ta cũng đã đến lúc phải có những doanh nghiệp phi lợi nhuận có đẳng cấp, đó cũng là 1 nét để khẳng định vị thế của Việt nam trên trường Quốc tế"

Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch HĐQT VinGroup

Xu hướng phi lợi nhuận có mặt trái không?

Các mô hình phi lợi nhuận chỉ là một sự lựa chọn chứ không hẳn là một xu thế mới phù hợp cho xã hội hiện đại. Có rất nhiều kẽ hở trong luật pháp để các công ty/tổ chức phi lợi nhuận khai thác nhằm kiếm lời nhiều hơn từ cái danh phi lợi nhuận. Nếu cung cấp dịch vụ, có tạo ra lợi nhuận thì phải nói rõ rằng có lợi nhuận. Tiếp sau đó là chuyện sử dụng lợi nhuận cho chủ hay cho xã hội thì công bố rõ ràng.

Nhiều bình luận trên mạng xã hội cho đây là chiêu PR, đúng hay sai?

Cũng không trách người ta nghi ngờ đây là chiêu trò. Một số người cho rằng, hệ thống VinSchool và VinMec mới hoạt động được 3 năm thì chưa thể có lợi nhuận ngay được, kể cả tương lai thì hai mảng này cũng khó lãi to nếu đầu tư bài bản và chất lượng. 

Quyết định của doanh nghiệp là thuộc về họ,

VinGroup luôn rất thông minh trong các quyết định. Việc họ tuyên bố cũng chả ảnh hưởng tiêu cực gì đến ai, từ Chính phủ, đến người dân hay doanh nghiệp khác. Do chưa kiểm chứng được tác động xã hội (Social Impact Assessment) của doanh nghiệp thì chưa nói lên điều gì cả.

Mô hình phi lợi nhuận mà VinGroup tuyên bố có chuẩn xác không?

Các doanh nghiệp phi lợi nhuận (Non-profit) khác với các doanh nghiệp không vì lợi nhuận (Not-for-profit). Trên thế giới, các doanh nghiệp phi lợi nhuận (Non-profit) thường làm tốt vai trò xúc tác để huy động nguồn lực từ cộng đồng để cải thiện đời sống cho những cộng động chịu thiệt thòi, chẳng hạn như tạo việc làm cho những nhóm yếu thế của xã hội như những người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, người mãn hạn tù…

Dựa trên tuyên bố của VinGroup là toàn bộ 100% lợi nhuận thu được cho các hoạt động tái đầu tư, đồng thời Vingroup tuyên bố chuyển đổi hai hệ thống sang hoạt động phi lợi nhuận là chưa chuẩn xác.

Phù hợp hơn là “mô hình không vì lợi nhuận”, mô hình này được áp dụng trong trường hợp lợi nhuận thu được chủ yếu để sử dụng tái đầu tư hoặc để mở rộng tác động xã hội của doanh nghiệp. Nó phù hợp với tuyên bố của VinGroup.

Theo kinh nghiệm quốc tế, Doanh nghiệp không vì lợi nhuận thường đăng ký hoạt động dưới các hình thức Công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. 

Một trong những nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp này đăng ký dưới hình thức công ty là họ không muốn xã hội nhìn nhận như đơn vị “đi xin” lòng từ thiện của cộng đồng. Họ nhìn thấy cơ hội tạo giá trị vật chất từ những hàng hóa và dịch vụ giàu nhân văn mà họ cung cấp cho cộng đồng. Bên cạnh đó, việc hoạt động như những công ty giúp họ tiếp cận những nguốn vốn và cơ hội kinh doanh đa dạng hơn là một tổ chức từ thiện đơn thuần.

Thay cho lời kết

Tôi luôn ủng hộ bất cứ ai suy nghĩ và nói ra được điều tốt đẹp. Thực chất, một cách làm hiệu quả, không cần phải đao to búa lớn, doanh nghiệp cứ làm có lãi nhiều đi, mỗi năm công bố rõ được bao nhiêu và sẽ đem sử dụng lãi đó cho việc gì của xã hội. Tự khắc, cộng đồng và xã hội ghi nhận và yêu quý.

Gốc của vấn đề nằm ở suy nghĩ, sự đánh giá của cộng đồng về chúng ta như thế nào, chứ không phải ở việc ta tuyên bố ra sao.

Phan Thị Thùy Trâm

TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.