Trung Quốc và Campuchia đã kết thúc hai tuần tập trận chung vào tuần này, động thái mà các nhà phân tích cho là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á.
Trong cuộc tập trận “Rồng vàng 2023” từ ngày 23/3 đến ngày 5/4, quân đội hai nước đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận, từ phong tỏa và kiểm soát, giải cứu con tin, khử trùng dịch bệnh, rà phá bom mìn và gỡ bỏ chất nổ, theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Đây là cuộc tập trận thứ năm giữa Trung Quốc và Campuchia, một đồng minh truyền thống của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Nhưng đây là lần đầu tiên cuộc tập trận của quân đội hai nước bao gồm diễn tập hải quân ở vùng biển ngoài khơi Sihanoukville, một thành phố ở tây nam Campuchia trên Vịnh Thái Lan.
Bên cạnh các cuộc tập trận điển hình nhằm nâng cao khả năng quân sự, "Rồng vàng 2023" cũng bao gồm các hoạt động giao lưu văn hóa như ca hát, khiêu vũ và viết thư pháp nhằm “làm sâu sắc thêm sự hiểu biết và tình hữu nghị”.
Đài truyền hình CCTV đưa tin, quân đội Trung Quốc cũng tặng tài liệu giáo dục và thuốc men cho các cộng đồng tại Campuchia.
Cuộc tập trận được tổ chức trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh gay gắt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Mỹ đã củng cố quan hệ với các nước trong khu vực như Philippines và Australia.
Vào tháng 2, chính phủ Philippines đã đồng ý cho phép Mỹ tiếp cận 4 căn cứ mới, bên cạnh 5 căn cứ mà Mỹ đã có để đào tạo quân nhân và lưu trữ thiết bị quân đội.
Và tháng trước, Australia đã xác nhận kế hoạch mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo hiệp ước AUKUS ba bên với Anh và Mỹ.
Về phần mình, chính quyền Bắc Kinh đã tăng cường hợp tác với Campuchia trong những năm qua.
Vào cuối năm 2020, hình ảnh vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - một tổ chức dân sự Mỹ, chỉ ra rằng Campuchia đã phá hủy một cơ sở do Mỹ xây dựng tại Căn cứ Hải quân Ream.
Đánh giá về cuộc tập trận chung vừa qua, David Silbey, nhà sử học quân sự tại Đại học Cornell (Mỹ), cho rằng đây là một cuộc tập trận mang cả ý nghĩa chính trị và quân sự.
“Về mặt quân sự, cuộc diễn tập xây dựng sự quen thuộc và năng lực. Sự quen thuộc phát sinh từ việc quân đội hai nước xích lại gần nhau, và năng lực đến từ cả quá trình huấn luyện cũng như thông tin dành cho người Trung Quốc về cách triển khai sức mạnh của họ ra xa hơn ở Biển Đông", ông Silbey chỉ ra. “Xét về ảnh hưởng của Mỹ, đây rõ ràng là một đòn đáp trả của Trung Quốc. Campuchia có vị trí chiến lược nằm giữa các quốc gia đang chuyển hướng sang Mỹ trong thập kỷ qua. Đây là một nỗ lực để chống lại sự thay đổi đó".
Ông Silbey cho rằng cuộc tập trận sẽ khiến các quốc gia Đông Nam Á khác lo lắng. “Bây giờ, Việt Nam, Singapore và Malaysia phải nhận thức được rằng người Trung Quốc có thể khẳng định mình bằng quân sự trong khu vực".
Theo Prashanth Parameswaran, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Wilson, Trung Quốc dự kiến sẽ cố gắng xây dựng nhiều mối quan hệ an ninh hơn với các quốc gia khác trong khu vực, nhưng điều đó sẽ hiệu quả đến mức nào vẫn còn phải xem xét.
“Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển quan hệ an ninh với các quốc gia Đông Nam Á, ngay cả khi họ đồng thời triển khai sức mạnh quân sự ở các khu vực như Biển Đông", chuyên gia Parameswaran nhận định. “Câu hỏi quan trọng là các quốc gia thích nghi hoặc cân bằng với Bắc Kinh ở mức độ nào đối với chính họ và với các đối tác khác về mặt an ninh, ngay cả khi họ cũng tìm cách can dự với Bắc Kinh trong các lĩnh vực khác".
Sử gia Silbey cho biết một mục tiêu khả thi của Bắc Kinh có thể là Indonesia.
“Trung Quốc có quan hệ lúc lên lúc xuống với Indonesia trong những năm qua nhưng họ đã xích lại gần nhau hơn trong những năm gần đây và hợp tác quân sự giữa Trung Quốc-Indonesia đe dọa Australia, cùng nhiều vấn đề khác. Tôi nghĩ rằng sự hợp tác gần đây của AUKUS phần lớn là kết quả của việc Australia nhận ra mối quan hệ của hai nước kia", ông Sibley nói.