1. “Con không hỏi ý kiến của mẹ”
Không biết là vô tình hay cố ý mà không ít nàng dâu đã “bổ” thẳng câu nói này vào mặt mẹ chồng. Chỉ bằng câu nói ngắn gọn này cũng đủ khiến mẹ chồng phật ý và có phần tự ái bởi nó không khác gì một lời tuyên bố rằng “mẹ chồng không có quyền tham gia đóng góp bất kỳ ý kiến nào trong chuyện của con dâu”.
Dù gì đi chăng nữa mẹ chồng bạn là một người lớn tuổi và từng trải nên chắc chắn sẽ có những ý kiến đóng góp vô cùng hữu ích cho bạn, vậy tại sao thay vì cự tuyệt nó, bạn nên nghĩ ý định của mẹ là tốt, và đơn giản chỉ cần cảm ơn ý kiến của bà. Bạn hãy thực sự lắng nghe điều mẹ chồng nói, còn có thực hiện theo ý kiến của bà hay không lại là vấn đề khác, bạn hoàn toàn có thể làm mọi việc theo ý mình bởi bạn là người đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu mẹ chồng vẫn tiếp tục góp ý kiến, lúc đó bạn hãy nói "Con cảm ơn mẹ, nhưng chúng con đã có quyết định cuối cùng rồi ạ".
2. “Con không thể tin là mẹ lại bỏ phiếu cho ông ấy”
Chính trị và tôn giáo là hai chủ đề có thể mang lại không khí căng thẳng cùng những tranh cãi không cần thiết cho gia đình của bạn. Nếu bạn muốn thảo luận về chính trị với mẹ chồng, hãy nhớ rằng cuộc thảo luận này sẽ không thể có người thắng người thua bởi nó không phải là vấn đề dễ tiên đoán trước được.
Nếu mẹ chồng hỏi ý kiến của bạn về một chính trị gia nào đó mà bà ấy ủng hộ nhưng bạn lại không có nhiều hiểu biết về người đó, hay thậm chí không thích họ thì cách tốt nhất là né tránh câu hỏi hay nhanh chóng đổi sang chủ đề khác. Bạn đừng dại dột bóc mẽ điểm xấu của người mẹ hâm mộ trước mặt bà, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu bởi khi ấy mẹ chồng sẽ nghĩ rằng bạn coi thường sở thích và con mắt nhìn người của bà ấy.
3. “Mẹ nên dạy lại con trai mình”
Chắc chỉ có nàng dâu ngớ ngẩn mới nói câu này với mẹ chồng. Trong trường hợp này dù mẹ chồng có yêu quý bạn nhiều đi chăng nữa thì khi nghe câu này bà sẽ không khỏi buồn, thậm chí là tức giận. Bởi bạn đang làm bà tổn thương khi chỉ trích chính người con trai mà bà sinh ra. Và hậu quả của lời nói vô tình này có thể dẫn đến một cuộc cãi vã căng thẳng giữa hai người.
Thực tế, phàn nàn, kêu ca với mẹ chồng về những thiếu sót của chồng là một ý tưởng không hề tốt. Bạn cần biết rằng chồng bạn là một người đã trưởng thành và khi đã chấp nhận lấy anh ấy thì đương nhiên bạn phải chấp nhận những mặt khiếm khuyết của anh ấy. Cho dù không hài lòng về anh ấy, bạn cũng không nên đổ lỗi cho cách dạy con của mẹ chồng. Một nguyên tắc hàng đầu mà các nàng dâu cần để duy trì bình yên trong gia đình là cố gắng không để bố mẹ chồng can thiệp vào cuộc sống hôn nhân của mình hay bất kỳ vấn đề gì liên quan đến chuyện vợ chồng.
|
Bạn đang làm bà tổn thương khi chỉ trích chính người con trai mà bà sinh ra. Và hậu quả của lời nói vô tình này có thể dẫn đến một cuộc cãi vã căng thẳng giữa hai người (Ảnh minh họa). |
4. "Suốt ngày ca ngợi nhà mẹ đẻ"
Nói điều này cho thấy bạn coi mối quan hệ của mình với gia đình chồng thật xa cách vì bạn không thừa nhận đó cũng là gia đình của bạn. Gia đình là gia đình - cho dù là ràng buộc về mặt sinh học hay bởi hôn nhân. Bạn nên cố gắng đừng phân biệt hay tệ hơn, so sánh, ít nhất là nói ra bằng lời.
Bạn có tin không, việc bạn suốt ngày ca ngợi nhà mẹ đẻ trước mặt mẹ chồng sẽ làm bà không vui và thêm phần ghét bỏ bạn đó. Một khi đã trở thành nàng dâu và chung sống với bố mẹ chồng thì bạn cần phải thực hiện đúng đạo lý “lấy chồng thì phải theo chồng”. Cho dù nhà đẻ hay nhà chồng thì cũng là nơi thân thuộc và gắn bó với bạn suốt cuộc đời nên đừng bao giờ cân đo đong đếm chúng.
Vẫn biết ở với bố mẹ đẻ bạn sẽ được thoải mái hơn, nhưng đừng bao giờ đem điều đó ra nói với mẹ chồng hay ngay cả với chồng, rất có thể bạn sẽ bị phản bác lại bằng câu nói lạnh lùng kiểu “sao cô không về nhà đẻ mà ở”. Vì thế, dù có chán nhà chồng đến mức nào thì cũng cố giữ trong lòng, hoặc nhẹ nhàng góp ý với chồng nhé.
5. “Chúng con bận lắm, không đến gặp mẹ được đâu”
Sau khi lập gia đình, bạn cảm thấy sung sướng khi được ra ở riêng và không phải lo suốt ngày đối diện với mẹ chồng. Nhưng không ít bạn gái may mắn được như vậy, vì đa số bố mẹ chồng đều mong muốn được chung sống cùng con cái, với họ một gia đình càng đông thì càng vui. Việc con cái ra ở riêng cùng với những bộn bề công việc khiến mẹ chồng khó có cơ hội được gặp mặt.
Nhiều nàng dâu không hiểu rằng, khi bạn ra ở riêng, mẹ chồng luôn mong đợi được gặp con, gặp cháu rất nhiều, có thể nhiều hơn sức tưởng tượng của bạn. Do đó, đừng bao giờ viện lí do bận việc để “cắt đứt” mong muốn này của bà.
Một nàng dâu khéo léo sẽ biết cân bằng giữa công việc cá nhân và chuyện gia đình chồng, hãy cố gắng xếp lịch cuối tuần về thăm mẹ chồng. Chắc chắn một điều gì, khi nhìn thấy gia đình bạn về chơi, mẹ chồng sẽ hớn hở ra mặt và sẽ chuẩn bị tiếp đón nhiệt tình đấy. Cho dù cuộc sống ngoài xã hội của bạn có vất vả đến mức nào, hãy luôn nhớ gia đình, bố mẹ là nơi luôn chào đón bạn.
6. “Con ghét sự kiểm soát của mẹ”
Không ít chị em phụ nữ cảm thấy cuộc hôn nhân của mình ngột ngạt khi bị mẹ chồng săm soi và giám sát quá chặt chẽ. Điều này không hề lạ lẫm bởi thực tế nhiều mẹ chồng sẵn sàng tham gia vào mọi chuyện của con cái mà không quan tâm liệu xem các con có muốn thế hay không. Bạn mệt mỏi khi không được làm theo ý mình, không được tạo cơ hội được hẹn hò riêng với chồng, không được phép chúc mừng riêng sinh nhật cho chồng... bởi tất cả mọi việc đều có sự tham gia của một vị khách không mời, đó chính là mẹ chồng.
Bạn cảm tưởng cuộc sống vợ chồng của mình không hề có không hề có không gian riêng, tuy sống ở hai căn phòng khác nhau nhưng bạn vẫn luôn bị ám ảnh bởi đôi mắt săm soi của mẹ chồng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, trước khi nói với mẹ chồng, bạn hãy chia sẻ với chồng và để anh lên tiếng. Nếu chồng bạn sợ mẹ và không dám ý kiến thì bạn hãy thử nói chuyện thẳng thắn với bà, biết đâu bạn sẽ nhận được sự thay đổi tích cực từ phía bà.
|
Không ít chị em phụ nữ cảm thấy cuộc hôn nhân của mình ngột ngạt khi bị mẹ chồng săm soi và giám sát quá chặt chẽ (Ảnh minh họa). |
7. “Sẽ tốt hơn nếu con trai mẹ trực tiếp thông báo cho mẹ những tin này”
Đừng trốn tránh trách nhiệm của bạn để có mối quan hệ cởi mở, chân thành với mẹ chồng. Và bạn cũng đừng bao giờ nghĩ đến chuyện dùng tình cảm của chồng với bố mẹ để làm một cái cớ cho bạn thoái thác vai trò, trách nhiệm nàng dâu của mình.
Trong những chuyện hệ trọng của gia đình, bạn nghĩ chồng là người thích hợp để nói cho bố mẹ biết thì bạn cũng nên khéo léo hơn, thay vì nói một câu có phần mỉa mai như trên, bạn hãy nói “Con nghĩ anh... sẽ nói với bố mẹ điều này, bởi anh ấy biết cách truyền đạt tốt hơn con và bố mẹ sẽ rất hào hứng khi nghe điều này”.
Và một điều tối kỵ khác cho nàng dâu là không nên gọi chồng bạn là "con trai của mẹ", bởi nó có phần khiếm nhã. Chồng bạn có tên gọi hẳn hoi nên đừng bao giờ lờ đi cái tên của anh ấy khi nói chuyện với mẹ chồng.
8. “Con sẽ không để mẹ gặp các cháu nữa”
Trong cuộc chiến tranh với mẹ chồng, không ít phụ nữ lôi con cái của mình ra làm bia đỡ đạn cho mình. Dọa không cho gặp cháu, dọa cháu sẽ ghét bà...chắc chắn sẽ khiến mẹ chồng phải chùn bước. Tuy nhiên, đây không phải là cách khôn khéo để giải quyết xung đột mẹ chồng nàng dâu.
Việc cấm con cái không được gặp bà nội sẽ mang đến một “lỗ hổng” tinh thần rất lớn cho cả mẹ chồng và lũ trẻ. Không có lí do gì bà cháu lại không được gặp nhau. Sự cấm đoán vô cớ này sẽ làm quan hệ của bạn và mẹ chồng càng thêm căng thẳng, thậm chí bạn sẽ bị chồng “đay nghiến” vì bạn dám đe dọa mẹ của anh ấy. Do đó, đừng bao giờ lôi vấn đề này ra để nói với mẹ chồng, cho dù có ghét hay tức giận với mẹ chồng đến mức nào.
|
Việc cấm con cái không được gặp bà nội sẽ mang đến một “lỗ hổng” tinh thần rất lớn cho cả mẹ chồng và lũ trẻ. Không có lí do gì bà cháu lại không được gặp nhau (Ảnh minh họa). |
9. “Con không thể ăn nổi mấy món mẹ nấu”
Không phải bà mẹ chồng nào cũng giỏi nấu ăn, do đó nếu không hài lòng với các món ăn bà nấu, bạn cũng đừng chê trước mặt. Việc bị con dâu chê nấu ăn chán sẽ làm mẹ chồng phật ý, tự ái và sẽ không bao giờ phụ giúp bạn chuyện nấu nướng.
Bạn đi làm vất vả, mẹ chồng ở nhà giúp bạn nấu ăn, đáng lẽ bạn nên động viên và khéo léo góp ý với bà chứ không nên thẳng thừng chê bai.
10. “Bọn trẻ không được phép làm điều đó”
Có một thực tế là ông bà nào cũng nuông chiều và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của cháu. Chính sự nuông chiều này khiến không ít chị em phụ nữ tức giận. Bạn mất bao nhiêu công huấn luyện con đi ngủ đúng giờ, mất công giữ cho con một hàm răng trắng sáng...nhưng rồi chỉ vì bố mẹ chồng mà mọi công sức của bạn đổ sông đổ bể. Hỏi làm sao mà không tức, không giận?
Nhưng trước vấn đề nhạy cảm này, bạn nên hãy cố gắng kiềm chế cơn tức giận của mình. Nếu bạn tỏ thái độ mạnh mẽ và cấm trẻ làm theo điều mẹ chồng nói, chắc chắn sóng gió sẽ đến với gia đình bạn vì mẹ chồng bạn sẽ nghĩ bạn ngăn cấm bà quan tâm đến cháu. Thay vì trách móc mẹ chồng, bạn hãy nhẹ nhàng dạy trẻ biết tuân thủ theo những nguyên tắc có lợi mà mình đã đặt ra trước đó.
Theo Khám phá
>>> Xem thêm:
- Nhờ bạn thân thử chồng và kết quả bất ngờ
- Nhật ký nghỉ Tết của dâu mới: Phải làm sao khi mẹ chồng bảo đi làm ruộng?
- Chồng giấu tôi biếu tiền Tết nhà nội