1. Xác định rõ mối quan hệ của hai bạn
Trước khi kết hôn, cả bạn và anh ấy cần phải xác định rõ lại một lần nữa mối quan hệ của mình. Theo các chuyên gia tâm lý thì nếu bạn không biết chính xác về mối quan hệ của bạn có nghĩa là cả hai bạn có nguy cơ lặp đi lặp lại những sai lầm trong quá khứ, và hai bạn sẽ bị mắc kẹt vì sự lấp lửng của mối quan hệ đó. Do vậy, trước khi kết hôn, bạn cần phải nói chuyện với anh ấy rõ ràng về mối quan hệ, tình yêu và lòng chung thuỷ... dành cho nhau.
2. Tiền bạc
Quản lý tiền bạc không phải là vấn đề lớn nhưng rất dễ gây tranh cãi. Trên thế giới có nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc, trong đó có những cặp quản lý tiền bạc chung cũng có những cặp mà mỗi người quản lý tiền bạc riêng. Vấn đề ở đây là hai bạn có thể bình tĩnh ngồi lại và nói chuyện tiền bạc một cách thực tế hay không?
Nếu vấn đề tiền nong của hai bạn được dùng hoặc tiết kiệm như thế nào là điều gây tranh cãi trước khi kết hôn thì chuyện đó sẽ trở nên tệ hơn nữa khi hai người về sống dưới một mái nhà.
Nếu chồng/vợ tương lai của bạn không muốn nói đến vấn đề này, hoặc không nghĩ rằng thảo luận chuyện tiền bạc trước khi cưới là quan trọng, thì bạn hãy khoan bàn chuyện kết hôn cho tới khi vấn đề này được cả hai thống nhất.
3. Con cái
Bạn và đối tác nên bàn luận trước với nhau về việc có con hay không, nếu có thì vào thời điểm nào. Bởi thực tế cho thấy mâu thuẫn trong chuyện có con hay không đã khiến nhiều cặp đôi phải chia tay trong tiếc nuối. Nếu bạn nghĩ rằng cưới xong rồi sẽ từ từ thuyết phục chồng/vợ của bạn về chuyện này thì đây là một suy nghĩ sai.
Vẫn có những cặp vợ chồng có con cho dù một trong hai người không muốn, nhưng như thế là bất công đối với con trẻ cũng như với chính cuộc hôn nhân của hai người.
4. Tình dục và sự chung thủy
Đây là vấn đề nhạy cảm nhưng cũng cực kỳ quan trọng. Vì vậy, không có lý do gì bạn lại chỉ ngồi “suy diễn và phỏng đoán” về sức khỏe tình dục của hai bạn. Nếu bạn hoặc đối phương đang có vấn đề rắc rối về mặt tình dục, bạn không nên kết hôn cho tới khi vấn đề được giải quyết. Ngoài ra, sự khác biệt trong thói quen, sở thích hay khao khát sex cũng như mọi vấn đề có liên quan, có thể chia rẽ hai bạn.
Hai bạn cũng nên đặc câu hỏi về sự thủy chung. Có một số người chấp nhận chuyện vợ hoặc chồng của mình có nhân tình bên ngoài, tuy nhiên hầu hết đều muốn mình là duy nhất đối với người ấy. Nếu người yêu của bạn có quan điểm khác bạn về chuyện như thế nào gọi là chung thủy thì hai bạn hay khoan nghĩ tới hôn nhân, cho tới khi vấn đề này được thảo luận và thống nhất.
5. Chia sẻ việc nhà
Khi các bạn quyết định gắn bó cả cuộc đời mình với nhau, điều đó có nghĩa là bạn không còn được tự do tùy ý làm những gì mình thích. Lúc này, cuộc sống và những trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình sẽ chi phối bạn. Bạn phải làm những công việc nhà, làm mẹ, đảm nhận trách nhiệm làm con dâu... Bạn sẽ phải khéo léo chấn an tâm lý để phân chia công việc nhà một cách hợp lý với người chồng của mình và rất có thể bạn sẽ gặp phải những vướng mắc do không có sự tương đồng trong suy nghĩ, phong cách, lối sống... với những người trong gia đình nhà chồng hoặc với chính người chồng của minh. Bởi vậy để đảm bảo cho cuộc sống hôn nhân được “đầu xuôi, đuôi lọt” đòi hỏi bạn phải có nhiều sự sáng tạo và đàm phán để cả hai thực sự thoải mái.
6. Sự nghiệp
Bạn dành bao nhiêu giờ cho công việc hàng tuần? Bạn sẽ bỏ lại sau lưng mọi khó khăn mệt mỏi để về với tổ ấm của mình không? Hãy đặt ra những câu hỏi như vậy cho đối phương cũng như bản thân khi quyết định vào chung kết. Tránh trường hợp sau này, khi mọi áp lực cùng ập tới, hai bạn không có đủ khả năng để vượt qua mọi chuyện cũng như đem lại không khí ấm áp cho gia đình.
7. Sự gần gũi với gia đình và bạn bè
Quan điểm khác nhau của gia đình và tầm quan trọng của những mối quan hệ có thể có tác động lớn đến việc bạn và người đàn ông của bạn đã sẵn sàng cho hôn nhân hay chưa. Nếu một trong hai bạn có rất nhiều mối quan tâm đến gia đình hoặc bạn bè, và không tìm ra được những điểm chung cho những mối quan hệ có nghĩa là hai bạn chưa sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân. Vì thế hãy thảo luận chi tiết với anh ấy về nơi mà hai bạn sẽ về vào ngày lễ hoặc bên cha mẹ nào hai bạn sẽ thường xuyên đến thăm, hoặc có một người thân nào đó có vấn đề về bệnh tật thì điều đó có ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai bạn hay không!?...
8. Thói quen, tật xấu của đối phương
Dù đã quen biết nhau trước khi cưới nhưng có thể bạn cũng thực sự hiểu rõ anh/cô ấy có nghiện bia rượu, thuốc lá không, hay có những thói quen gì khác. Vì vậy, bạn hãy hỏi thật kỹ về việc uống bia rượu... của chồng/vợ sắp cưới của bạn. Điều này sẽ cho thấy anh ấy/cô ấy có khả năng bị nghiện chất kích thích hay không mà còn giúp bạn hiểu rõ bạn đời và tránh xảy ra mâu thuẫn về sau khi cả hai cùng chung sống.
9. Kiểm soát cơn giận dữ và khả năng bạo hành
Nếu chồng/vợ tương lai của bạn gặp rắc rối với việc kiểm soát cơn giận của bản thân, hoặc ghen tuông vô cớ, hay luôn gặng hỏi việc bạn gặp ai, làm gì, thậm chí khiến bạn ở trong tâm trạng bất an, hãy hoãn ngay kế hoạch đám cưới lại.
Đây có thể là những dấu hiệu tiềm tàng cho chứng bạo hành. Đừng nghĩ rằng bạn có thể cứu được đối phương. Thực tế là bạn không thể vì đây là vấn đề cần sự can thiệp của các chuyên gia. Bên cạnh đó việc biết được khả năng tiết chế cảm xúc của hai bên khi giận dữ cũng là kinh nghiệm quý giá cho từng cá nhân khi hành xử trong những lúc "bát đũa xô nhau".
10. Thể hiện tình yêu với nhau
Khi kết hôn không có nghĩa là bạn được phép lơ là việc thể hiện tình yêu của mình với người đàn ông giờ đã là chồng của bạn. Lúc này bạn càng cần phải chia sẻ tất cả những suy nghĩ, cảm xúc của bạn dành cho anh ấy. Nếu như khi yêu, bạn thể hiện tình yêu của mình với anh ấy bằng cách nói thẳng cho anh ấy nghe thì cuộc sống sau khi kết hôn bạn có thể thay bằng những hành động chăm sóc cụ thể cho anh ấy, tạo hứng thú và cảm giác vui mừng cho anh ấy bằng sự ngạc nhiên nào đó. Ngay cả khi giữa hai bạn có một cuộc thảo luận hoặc tranh cãi thì bạn cũng phải thể hiện quan điểm của mình đó là bạn muốn cải thiện cho mối quan hệ của hai bạn. Làm sao để anh ấy sẽ hiểu và cảm thấy được yêu.