Mới đây, dư luận xôn xao việc một doanh nghiệp tặng tỉnh Cà Mau 2 xe sang hiệu Lexus GX 460. Không lâu sau đó là thông tin một doanh nghiệp khác lại tặng xe sang cho Đà Nẵng.
Đại diện Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (gọi là Công ty Công Lý), đơn vị tặng 2 xe Lexus GX 460 cho tỉnh Cà Mau, sau đó được tạm ứng 25 tỷ đồng, trần tình mục đích tặng quà là muốn đóng góp một phần công sức trong lúc tỉnh nhà gặp khó khăn.
Trong khi lãnh đạo Đà Nẵng lý giải doanh nghiệp làm ăn được trong khi ngân sách khó khăn nên họ tặng xe để hỗ trợ thành phố và tuyệt đối không có tiêu cực.
“Không phù hợp phải từ chối”
Trả lời báo chí về vấn đề này tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay Quyết định 64 của Thủ tướng đã quy định rất rõ về việc tặng quà cho cơ quan quản lý Nhà nước.
“Sau khi báo chí phản ánh, Thủ tướng đã có văn bản giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp kiểm tra, làm rõ, nếu có vi phạm vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng. Đây là chỉ đạo rất có trách nhiệm của Người đứng đầu Chính phủ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói đồng thời khẳng định khi có kết luận từ các cơ quan trên, Chính phủ sẽ thông tin rộng rãi về việc này.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết ngoài Quyết định 64, Nghị định 29 của Chính phủ cũng đã quy định rõ về việc này bao gồm cả những trường hợp nghiêm cấm nhận quà tặng từ doanh nghiệp.
“Khi doanh nghiệp tặng tài sản cho cơ quan Nhà nước, nếu phù hợp thì được sử dụng, trường hợp không phù hợp phải từ chối và nếu không từ chối được phải xử lý theo quy định. Nếu tài sản là ôtô thì Quyết định 64 nêu rõ định mức ra sao và được nhận trong trường hợp nào, phục vụ cho chức danh nào…”, bà Mai nói thêm và nhấn mạnh Bộ sẽ sớm có thông tin chính thức.
Sẽ làm rõ tài sản khủng của Thứ trưởng Kim Thoa
Bà Hồ Thị Kim Thoa trong một lần trao quyết định bổ nhiệm cho ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: Moit.gov.vn . |
Xung quanh câu chuyện đang được dư luận quan tâm về khối tài sản “khủng” của bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Mai Tiến Dũng thông tin sau khi có chỉ đạo của Tổng bí thư, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ kiểm tra, làm rõ việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, bổ nhiệm người nhà nắm các vị trí then chốt, quản lý tài chính ở doanh nghiệp nơi bà Thoa từng công tác – Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang.
“Các cơ quan trên đang tiến hành kiểm tra và sẽ sớm có báo cáo gửi Thủ tướng. Trên cơ sở đó, Thủ tướng sẽ báo cáo Tổng bí thư”, ông nhấn mạnh.
Song song với việc này, ông Dũng cho hay Thủ tướng cũng giao các đơn vị trên rà soát toàn bộ quy định liên quan đến việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước để tránh sơ hở trong pháp luật.
“Các cơ quan trên sẽ phải báo cáo với Thủ tướng về việc này trong quý II”, ông khẳng định.
Chưa biết bao giờ có “siêu ủy ban”
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho hay chưa biết đến bao giờ mới có Ủy ban quản lý giám sát vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bởi Chính phủ còn đang “trình các cơ quan có thẩm quyền cao hơn và chưa có quyết định về việc này”.
“Chủ trương thành lập hay không thì chưa có, nhưng việc quản lý giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp có nhiều vấn đề bất cập nên Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, khảo sát mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ đã có tờ trình lên Chính phủ, có kiến nghị thành lập một Ủy ban, không phải siêu Ủy ban, với chức năng quản lý giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ”, ông Thu lý giải thêm.
Trong lúc chờ quyết định về việc này, ông Thu cho biết Bộ đang rà soát các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp để cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ khó cho doanh nghiệp.
Gói 100.000 tỷ đồng khác với gói 30.000 tỷ đồng
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khi nói về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp.
Ông Dũng cho hay với gói 100.000 tỷ đồng này, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ trì, chủ động giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại dành gói tín dụng với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5-1% để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng, vốn, đầu tư tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
“Chủ trương là thuê lại đất của nông dân giao cho doanh nghiệp đầu tư để sử dụng hiệu quả nhất và tái cơ cấu lao động ở nông thôn. Doanh nghiệp chỉ là lõi, nòng cốt. Thủ tướng yêu cầu triển khai các hợp tác xã, các mô hình tổ hợp, doanh nghiệp cung cấp giống, kỹ thuật, công nghệ, tạo ra sản phẩm sạch, có giá trị rồi thu mua sản phẩm của hợp tác xã, người dân, nâng cao sản lượng, chất lượng các loại nông sản”, ông nhấn mạnh.