Xử phạt hơn 200 cơ sở vi phạm quy định ATTP
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến ngày 20/9 có 29 quận, huyện đã tiến hành thanh tra ATTP. Trong tổng số 310 cơ sở được thanh tra, có 96 cơ sở vi phạm quy định về ATTP và bị xử phạt số tiền là 313.500.000 đồng. Cùng đó, có 18 quận, huyện, thị xã đã triển khai thanh tra chuyên ngành tại tuyến xã, phường, thị trấn (tổng số 131 đơn vị). Có 859 cơ sở được thanh tra, xử phạt 206 cơ sở, số tiền phạt 408.350.000 đồng.
Để có được kết quả ban đầu như trên, UBND TP Hà Nội chuẩn bị các bước khá đầy đủ: Ban hành Kế hoạch và quyết liệt chỉ đạo cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, UBND các cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tập trung các nguồn lực đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện như tập huấn, đào tạo, cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành ATTP cho cán bộ thanh tra.
Tính đến thời điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn Hà Nội đã phối hợp với Trường cán bộ thanh tra Chính phủ tổ chức triển khai 35 lớp đào tạo, cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành ATTP cho trên 3.000 công chức, viên chức, phó chủ tịch, chủ tịch xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã phối hợp với Viện kiểm nghiệm ATTP quốc gia khai giảng 23 lớp đào tạo chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm cho 1.137 người; phối hợp với Sở Công thương và Sở NN&PTNT tổ chức 14 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cho 2.480 công chức, viên chức...
Cùng đó, các Tổ công tác liên ngành của TP được thành lập. UBND TP cũng giao Sở Y tế Hà Nội là đơn vị thường trực phối hợp với Sở Công thương và Sở NN&PTNT thành lập 3 tổ giám sát hướng dẫn, tư vấn cho các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trong quá trình tiến hành thực hiện thanh tra.
Với sự chuẩn bị đầy đủ đó, các địa bàn được triển khai mô hình đã nhanh chóng bắt tay thực hiện. Tại quận Long Biên, sau gần 2 tháng triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP đã thanh tra 131 cơ sở thuộc cả 3 lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công thương, trong đó có 83 cơ sở đảm bảo ATTP; 48 cơ sở vi phạm với số tiền phạt trên 90 triệu đồng. Ở Thanh Trì, huyện đã thành lập 17 đoàn thanh tra, trong đó, cấp huyện 1 đoàn, cấp xã, thị trấn 16 đoàn, thành phần đúng, đủ theo quy định. Đến nay, đoàn thanh tra huyện và 6 xã đã tiến hành thanh tra tại 26 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện, phát hiện và xử lý 7 cơ sở vi phạm số tiền hơn 28 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: Điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, thiếu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP...
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Với những kết quả ban đầu đó, người tiêu dùng có thể hi vọng vào chất lượng ATTP trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện việc thực hiện vẫn còn một số tồn tại, khó khăn.
Theo TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp không ít khó khăn như thời gian đào tạo lực lượng thanh tra ngắn, thiếu nhân lực, nên thanh tra viên tại các địa phương vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm. Đặc biệt, ở tuyến xã, phường, việc thanh tra, kiểm tra vẫn còn nể nang, đôi lúc xử lý vi phạm chưa quyết liệt.
Đối với cấp cơ sở cho rằng, khó khăn do quy trình, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra phức tạp, nhiều biểu mẫu phải thực hiện, khó áp dụng đối với các cơ sở nhỏ thuộc cấp phường quản lý. Nhân sự đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP tại các phường hiện nay khó đáp ứng tiêu chí “am hiểu pháp luật, có ít nhất 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến quản lý ATTP” vì một cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, thời gian dành cho việc tìm hiểu, học tập về chuyên môn quản lý ATTP và triển khai các nhiệm vụ trong thanh tra chuyên ngành còn hạn chế. Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc quận và phường quản lý chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, vì vậy có nhiều cơ sở không còn hoạt động tại thời điểm kiểm tra...
Để tránh tình trạng thanh tra chồng chéo, vừa bảo đảm hiệu quả công việc, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác ATTP TP đề nghị: Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn để phân loại rõ nơi nào có nguy cơ cao cần tập trung thanh tra, kiểm tra.
Các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, quá trình thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành thực chất. Cụ thể, tuyến quận, huyện, thị xã phải kiểm tra được ít nhất 25%; tuyến xã, phường, thị trấn phải kiểm tra ít nhất 50% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Việc thanh tra phải minh bạch, xử phạt phải công minh và nếu cơ sở, doanh nghiệp không đồng ý kết quả thanh tra phải tiến hành xem xét, thanh tra lại. Mục đích là ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nguy cơ gây hại tới sức khỏe người dân từ thực phẩm bẩn.