Ngày 11/8, Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, cho hay các tình nguyện viên đề nghị được tham gia vào các lực lượng của Quân đội Nhân dân nước này, sau khi Cơ quan Thông tấn Trung ương (KCNA) ra tuyên bố lên án các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc hôm 7/8.
Theo KCNA, ngày 9/8, hàng chục nghìn người đã đổ về Quảng trường Kim Nhật Thành, mang theo cờ, băng rôn, biểu ngữ để phản đối nghị quyết trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhất từ trước đến nay của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên.
Washington và Bình Nhưỡng đã liên tiếp có những đe dọa qua lại trong một tuần trở lại đây. Tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ cho Triều Tiên hứng chịu "hỏa lực và giận dữ", còn nhà lãnh đạo Kim Jong Un lập tức tuyên bố sẽ tấn công đảo Guam của Mỹ.
Trước đó, nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hôm 5/8 với số phiếu tuyệt đối. Đây là phản ứng của các nước nhằm phản đối Triều Tiên tiến hành hai vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa liên tiếp trong tháng 7.
Nghị quyết mới số 2371 được coi là lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ nhất đối với Bình Nhưỡng từ trước đến nay, cấm hoàn toàn việc xuất khẩu khoáng sản và thủy sản của Triều Tiên, trong đó có than đá, mặt hàng xuất khẩu chính của quốc gia này, cũng như sắt và quặng sắt.
Nghị quyết cũng cấm các nước tăng số lượng lao động Triều Tiên hiện tại đang làm việc ở nước ngoài, cấm lập liên doanh mới với Triều Tiên hay đầu tư mới vào các liên doanh hiện tại
Trước đó, Triều Tiên cũng đã nhiều lần kêu gọi sự ủng hộ của người dân với chính quyền khi căng thẳng leo thang.
Tháng 8/2015, 1 triệu người Triều Tiên xin nhập ngũ hoặc tái nhập ngũ khi xảy ra vụ nổ hầm mỏ trong khu vực phi quân sự với Hàn Quốc, gây thêm căng thẳng cho hai miền Triều Tiên.
Năm 2013, Triều Tiên đã cảnh báo các nhà hoạt động ngoại giao nên rời Bình Nhưỡng khi nước này dừng hoạt động tại khu công nghiệp chung liên Triều Kaesong và đe dọa tấn công tên lửa vào các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương, đặc biệt ở Guam và Hawaii.
Theo Zing