Trong những năm qua, có rất nhiều cổ vật lịch sử đáng chú ý đã được tìm thấy trong quá trình khai quật nhưng chúng vẫn mang trong mình bí ẩn lịch sử mà khoa học hiện đại vẫn chưa thể giải thích được.
1. Những khối cầu đá khổng lồ ở Costa Rica
Trong các khu rừng rậm ở Costa Rica có rất nhiều quả cầu khổng lồ làm bằng đá hoa cương, nặng tới 12 tấn và tròn đều như những viên bi. Những viên đá này được phát hiện ra từ những năm 1930 bởi những công nhân của một trang trại khi họ đang phát rừng lấy đất trồng cây.
Những tảng đá này khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên vì độ tròn hoàn hảo của chúng. Giáo sư Erich von Daniken là người đầu tiên tìm hiểu về vấn đề này, ông cho rằng đây là một trong những bí ẩn lớn nhất của Trung Mỹ.
Giống việc đặt câu hỏi tại sao người Ai Cập có thể xây kim tự tháp bằng những phiến đá khổng lồ, Erich không thể lý giải nổi vì sao thổ dân từ hơn 3.000 năm trước có thể đẽo gọt những viên bi tròn trịa như thế này dù kiến thức hình học rất hạn hẹp, và tại sao họ có thể đưa những viên đá nặng hàng chục tấn như vậy lên đỉnh đồi, ở các bờ sông và trong rừng rậm.
2. Pin tiền sử/Pin Bát-đa
Đây chính là bằng chứng cho thấy pin đã từng được biết đến và sử dụng trong nền văn minh tiền sử.
Tại Iraq, vào năm 1936, trong các cuộc khai quật một ngôi làng cổ 2000 năm tuổi ở phía Đông Ai Cập vài trăm km, ngày nay thuộc Iraq, những người công nhân đã khám phá ra những bình gốm nhỏ kỳ lạ.
Những bình này có chứa các trụ đồng được ngâm trong một loại dung dịch đã đông đặc, gắn vào bình bằng nhựa đường, được định niên vào khoảng từ năm 248 trước công nguyên đến 226 sau công nguyên. Trong số này có một bình bằng đất nung cao 6 inch, màu vàng sáng có chứa một trụ đồng kích thước 5 inch chiều dài x 1,5 inch đường kính tiết diện. Ở giữa các trụ bằng đồng là một lõi thép cũng được gắn vào bằng keo nhựa đường.
Sau khi kiểm tra, các chuyên gia nhận định đây là một cục pin "cổ đại", có khả năng tạo ra dòng điện khoảng 1 Volt và có lẽ đã từng được dùng để mạ vàng. Tuy nhiên, nếu như vậy thì tại sao phương pháp này lại bị bỏ quên trong một thời gian dài và cũng không hề có bất cứ bằng chứng nào về sự tồn tại của nó ở các vùng lân cận.
3. Bản thảo Voynich
Bản thảo Voynich là một văn kiện viết tay được mã hoá bằng một hệ thống ngôn ngữ và kí tự chưa từng được ghi nhận trước đó trong lịch sử nhân loại. Bằng cách tính tuổi bằng carbon phóng xạ, người ta xác định rằng bản thảo Voynich xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15 (giai đoạn 1404-1438) và có thể đã được viết ở miền Bắc nước Ý trong thời kỳ Phục hưng. Tên bản thảo được đặt theo tên của Wilfrid Voynich, một nhà buôn sách người Ba Lan đã phát hiện ra bản thảo vào năm 1912.
Toàn bộ bản thảo được viết trên giấy da dê. Dù bị thiếu vài trang nhưng vẫn còn hơn 240 trang sách được lưu lại. Ngôn ngữ trong bản thảo được viết từ trái sang phải, hầu hết các trang đều có các hình minh hoạ hoặc đồ thị.
Bản thảo Voynich được nghiên cứu bởi rất nhiều nhà khoa học và cả các nhà giải mã nghiệp dư. Tuy vậy cho tới nay vẫn chưa có ai thành công trong việc giải mã những thông điệp được ghi trong bản thảo, và nó trở thành bản thảo bí ẩn nhất trong lịch sử mật mã nhân loại. Những bí ẩn bao trùm quanh ý nghĩa và nguồn gốc của bản thảo Voynich đã khơi gợi và kích thích trí tò mò và tưởng tượng của nhiều người, biến nó thành chủ đề khai thác trong nhiều tiểu thuyết.
4. Những bức tượng vàng Inca
Những bức tượng vàng đầy bí ẩn này được cho là sản phẩm của nền văn minh Inca. Chúng được tìm thấy ở Nam Mỹ và xung quanh các cổ vật này có rất nhiều giả thuyết thú vị.
Vào năm 1996, hai nhà phát triển máy bay người Đức là Algund Eeboom và Peter Belting đã chứng minh rằng các bức tượng vàng này là những chiếc máy bay. Họ đã sao chép chúng với kích cỡ được phóng đại 16 lần, bổ sung thêm động cơ và hệ thống điều khiển vô tuyến cho cỗ máy để hoạt động. Kết quả, hai mô hình này đã cất cánh được và có thể lượn trên không trung ngay cả khi tắt động cơ.
5. Đĩa di truyền
Tên gọi của đĩa di truyền bắt nguồn từ việc nó mô tả hoàn hảo các đối tượng và quá trình mà trong thế giới hiện đại, chỉ có thể thực hiện được bằng kính hiển vi. Vài giả thuyết cho rằng chúng có thể được sử dụng để mô tả thai nghén và sự phát triển của một phôi thai. Tuy nhiên, các giải thích này vẫn chưa được xác nhận.
Qua các tiếp xúc bên ngoài thì đĩa di truyền được làm từ vật liệu cứng cáp. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa nắm được cách tạo ra cổ vật này và họ cũng không chắc chắn rằng liệu chúng có thuộc về một nền văn minh cổ xưa nào hay không.
6. Cỗ máy Antikythera
Đây được coi là một trong những chiếc máy tính lâu đời nhất hiện nay và chiếc máy tính Analog đầu tiên trong lịch sử với thiết kế vô cùng tinh vi và phức tạp.
Các nhà khoa học xác định rằng cỗ máy này dùng để biểu thị vị trí của Mặt Trời, Mặt Trăng, sự di chuyển của các hành tinh trên bầu trời, dự đoán nhật thực, nguyệt thực và các sự kiện khác liên quan tới hành tinh mà con người đang sinh sống.
Dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng nhiều người tranh cãi rằng liệu một nền văn minh cổ đại có thể tạo ra một cỗ máy như thế này không.
Xuân Bách