Đây là những đặc điểm điển hình ở các quán karaoke đang hoạt động ở Hà Nội khiến "bà hỏa" thường xuyên ghé thăm, gây thiệt hại nặng nề về tiền của và tính mạng:
1. Nhà ở chuyển đổi công năng:
Lý do đầu tiên là phần lớn các quán karaoke được xây theo kiểu nhà ống, dài về phía sau, cao vút lên trên.
Các quán karaoke thiết kế theo kiểu nhà ống, chỉ có 1 lối thoát ở tầng trệt, diện tích nhỏ hẹp, chật chội, đồ đạc xếp san sát. Khi xảy ra hỏa hoạn, chỉ còn cách chạy xuống tầng 1, mà khói bốc cao rất dễ gây ngạt. Đây là lý do khiến người dân khó chạy ra ngoài; cũng như lính cứu hỏa gặp nhiều khó khăn trong triển khai ứng cứu nạn nhân và dập lửa.
2. Chứa các vật liệu dễ cháy:
Các phòng karaoke đều có vật liệu dễ cháy…. Đồ nội thất gồm ghế sofa, thảm trang trí... trong phòng cũng là những đồ dễ bắt lửa, thậm chí cháy lâu. Hầu hết các quán karaoke đều thiết kế bít kín bằng vật liệu cách âm: như mút, xốp… cũng rất dễ cháy.
3. Biển quảng cáo đèn LED quá khổ:
Nguy hiểm hơn, những quán karaoke đa phần trưng biển quảng cáo rất lớn, bịt kín toàn bộ cửa sổ toà nhà.
Thực tế, quán nào cũng được “bọc” bởi một tấm biển quảng cáo to, đèn LED trang trí lấp lánh, có quán lắp đặt màn hình khổng lồ để thu hút khách. Nhiều chủ quán cho rằng, biển quảng cáo càng “hầm hố”càng thu hút khách. Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội cho biết, đa số những biển quảng cáo lắp trên những quán karaoke đều không được phép. Đối với tiêu chuẩn Sở VH-TT cấp: Biển quảng cáo khống chế chiều cao 2m, chiều ngang bằng chiều ngang của công trình. Nếu tổng diện tích trên 20 m2 thì cần phải xin giấy phép xây dựng. Nhưng hầu hết các chủ quán đều… bỏ qua.
4. Chằng chịt dây điện:
Hầu hết nguyên nhân của những vụ cháy quán karaoke gần đây đều được xác định là do chập điện. Với hệ thống chằng chịt các loại dây điện, dây âm thanh cỡ lớn, dây tivi, điều hòa... việc quá tải điện, dẫn tới chập điện là điều rất dễ hiểu.
5. Thiết kế các phòng quá kín:
Các phòng karaoke đều được thiết kế rất kín để tránh ảnh hưởng đến phòng bên cạnh. Chính vì vậy, khi phòng bên cạnh xảy ra cháy, khách ở phòng hát này khó biết được sự việc ở phòng kia. Đến khi đám cháy lan rộng ra thì đã muộn, làm tăng nguy cơ thiệt hại về người và tài sản.
6. Nhân viên và chủ quán quán thiếu kỹ năng PCCC:
Vấn đề trang bị kiến thức PCCC cho các nhân viên đều khó thực hiện vì nhân viên quán thay đổi liên tục, nhiều khi chính chủ quán cũng không nhớ nhân viên nào đã được tập huấn, nhân viên nào chưa.
7. Thiếu các thiết bị PCCC tối thiểu:
Những cơ sở kinh doanh karaoke thường rất coi nhẹ công tác phòng cháy chữa cháy, không trang bị các thiết bị chữa cháy tối thiểu như bình xịt, hệ thống báo cháy... Điều này khiến công tác dập lửa ngay từ bước đầu không được thực hiện được, khiến ngọn lửa bùng cao, nguy hiểm.