Agribank hợp sức xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản

(Ngày Nay) - Trong hai năm vừa qua đã có gần 500 tỷ đồng được hệ thống Agribank trên cả nước cho vay vào các vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phát triển theo đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhiều vùng nguyên liệu nông sản tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, chế biến xuất khẩu
Nhiều vùng nguyên liệu nông sản tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, chế biến xuất khẩu

Theo thông tin từ Agribank, trong hai năm vừa qua, hoạt động triển khai cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác giữa TCTD này với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong việc hỗ trợ tín dụng đối với “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022- 2025” đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, với sự chủ động vào cuộc của các chi nhánh Agribank tại 13 tỉnh thành đang triển khai đề án thí điểm kể trên, tính đến hiện nay phía ngân hàng đã tiếp cận hàng trăm khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân có tham gia xây dựng đề án. Dư nợ cho vay với các doanh nghiệp lớn, như Tập đoàn Tân Long, Tập đoàn Lộc Trời, CTCP Đồng Giao, Công ty Kim Nhung… đạt khoảng 482,7 tỷ đồng.

Các chi nhánh cấp 1 của Agribank tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tiếp cận khách hàng để mở tài khoản thanh toán và sử dụng dịch vụ tại ngân hàng. Từ đó, ngân hàng đã cho các HTX vay vốn với dư nợ khoảng 6 tỷ đồng. Ngoài ra, theo danh sách khách hàng do Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ NN&PTNT) cung cấp, Agribank đã tiếp cận, kết nối và cho vay với hơn 30 HTX, hộ nông dân với dư nợ khoảng 14 tỷ đồng.

Tại Tiền Giang, An Giang, các hợp tác xã tham gia đề án xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo và trái cây, như: HTX Bình Thành, HTX Vĩnh Kim, HTX Hưng Thịnh Phát, HTX Tân Bình, Green Vina… đều đã tiếp cận được nguồn vốn vay với dư nợ từ 2-3 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Agribank, việc hợp tác phát triển đề án thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông sản không chỉ mang lại những kết quả tích cực từ việc tài trợ tín dụng mà còn giúp ngân hàng triển khai hiệu quả nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính đi kèm, nhất là cung cấp các dịch vụ thanh toán đa kênh, tài trợ các giải pháp quản lý tài chính chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản khép kín.

Việc tiếp cận hàng ngàn doanh nghiệp, tập đoàn lớn và các HTX, tổ hợp tác tham gia đề án vùng nguyên liệu cũng giúp các chi nhánh Agribank phát triển đáng kể tệp khách hàng ở nhiều dịch vụ, sản phẩm khác như: mở tài khoản thanh toán, gửi tiết kiệm… Chẳng hạn, trong số 14 doanh nghiệp lớn tham gia đề án này đã có 7 khách hàng mở tài khoản thanh toán và đăng ký sử dụng dịch vụ gửi tiền với số dư tiền gửi khoảng 250 tỷ đồng. Các doanh nghiệp như Tân Long, Vĩnh Hiệp, Lộc Trời, Đồng Giao, Kim Nhung, Chánh Thu… đều trở thành các khách hàng doanh nghiệp lớn của ngân hàng với số dư tiền gửi từ 10 tỷ đến vài trăm tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm cuối tháng 7/2024, đề án thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn cơ bản đã hoàn thành được 62,5% công việc về xây dựng hạ tầng. Các địa phương tham gia xây dựng vùng nguyên liệu cũng đã xây dựng được 81 chuỗi liên kết, với diện tích vùng nguyên liệu nông sản có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp đầu mối đạt gần 104.000 ha.

Đại diện Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án này từ 2022-2025 là khoảng 2.470 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương: hơn 942 tỷ đồng, ngân sách các địa phương 410 tỷ đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp, HTX: 572,2 tỷ đồng và vốn vay tín dụng là hơn 552,3 tỷ đồng.

Tính đến hiện tại tổng kinh phí ngân sách Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp, HTX đã bố trí cho các dự án vùng nguyên liệu đạt khoảng 564,2 tỷ đồng. Trong khi đó, các chi nhánh Agribank đã cho vay với dư nợ gần 500 tỷ đồng. Điều này cho thấy, phía ngân hàng đã rất sát sao, chủ động trong việc tài trợ vốn cho các vùng nguyên liệu của đề án.

Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, hiện nay đề án đang bước vào giai đoạn 2 với các hợp phần cần nhiều vốn để hoàn thiện và mở rộng. Phía ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với việc triển khai những chương trình tín dụng ưu đãi, mở rộng hỗ trợ tài chính để các địa phương hoàn thành đề án.

Tuy nhiên, để hoạt động kết nối dòng tiền trong các chuỗi liên kết vùng nguyên liệu thông suốt và hiệu quả, Agribank đề nghị Bộ NN&PTNT và các địa phương hợp tác chặt chẽ, xây dựng thống nhất các quy định cho vay theo hướng tất cả các chủ thể của chuỗi liên kết phải thực hiện giao dịch tiền tệ liên quan đến chuỗi liên kết đó bằng tài khoản mở tại cùng một TCTD. Việc này sẽ giúp kiểm soát được dòng tiền, đảm bảo dòng tiền được sử dụng đúng mục đích và gia tăng hiệu quả đối với các khoản tài trợ tín dụng.

Về phía ngân hàng, ngoài nguồn vốn tín dụng hơn 552,3 tỷ đồng cam kết sẽ giải ngân theo hợp tác với Bộ NN&PTNT, Agribank cũng sẽ kết hợp tài trợ các vùng nguyên liệu bằng nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi khác, như: chương trình cho vay cá nhân ngắn hạn với ưu đãi giảm 2% lãi suất (quy mô 50.000 tỷ đồng); chương trình 2.000 tỷ đồng cho vay OCOP; chương trình 50.000 tỷ đồng cho vay DNNVV (giảm 1,5% lãi suất); các gói tín dụng ưu đãi giảm 2% lãi suất cho vay như: 20.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp lớn; 15.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi tài trợ dự án đầu tư… Vì thế, nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ nhu cầu phát triển và nhân rộng các vùng nguyên liệu nông sản thời gian tới là không thiếu và có nhiều chọn lựa để tiếp cận.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.