Mảnh đất thiêng sáu con rồng chầu
Ý Yên, Nam Định vốn nổi tiếng là vùng đất cổ, nơi những đình, chùa, miếu, phủ… đều uy nghi trầm mặc, mang đậm dấu ấn lịch sử cách mạng. Chùa Vạn Điểm cũng không nằm ngoại lệ ấy.
Dân quanh vùng quen gọi chùa theo tên làng, đó là chùa Vạn Điểm. Nhưng theo các cụ bô lão làng Vạn Điểm thì chùa có tên hiệu là Lục Long tự, nghĩa là 6 con rồng cùng chầu vào, linh thiêng vô cùng. Người ta không rõ chùa được xây dựng chính xác từ năm nào, chỉ ước khoảng đã xây dựng cách đây hàng trăm năm trước. Theo hai văn bia còn để lại ở chùa, một văn bia ghi công đức của các cụ ngày xưa góp công góp của trùng tu ngôi chùa thì chùa được trùng tu từ thời Thành Thái, cách đây tròn 117 năm.
Với bề dày lịch sử đã có, ngôi chùa lưu giữ nhiều tầng giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc, nghệ thuật. Từng chạm khắc, từng đường nét trang trí trên tường, trên cột nhà… đều nhẹ nhàng, phả vào lòng người vãn cảnh cảm giác an yên, nhẹ nhõm. Những họa tiết hoa lá, vân ám, hoa sen mang đậm phong cách nhà Phật. Cả ngôi chùa bao phủ bởi nét đẹp của thời gian và sự yên bình trong từng không gian.
Chùa đối với người dân Vạn Điểm chẳng khác nào nhà văn hóa trong khu dân cư, vừa gần gũi vừa ấm cúng, thậm chí quyến rũ hơn vì rợp cây xanh và gió mát. Sáng sáng, các cụ già pha chè hàn huyên câu chuyện, tối đến thanh niên trai tráng vào chùa hóng gió, đôi khi nhờ thầy giảng đạo, xin lời khuyên trong cuộc sống bộn bề, nhiều lo âu… Ở chùa, Đạo và Đời hòa quyện vào nhau chẳng tách rời.
Ông Dương Xuân Thiều, một cao niên trong làng kể rằng, chùa Vạn Điểm nằm giữa hai cây thánh giá, một bên là nhà thờ Vạn Điểm, bên kia là nhà thờ An Lộc, nhưng lúc nào không gian chùa cũng yên bình. Dân cư quanh vùng luôn giữ được hòa hảo, giáo - lương đoàn kết một lòng. Phật tử và công giáo thường xuyên kết hợp cùng nhau làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật...
Gắn bó với chùa Vạn Điểm ngót nghét chục năm, cụ Trương Công Đại - từng công tác ở phòng giáo dục huyện Ý Yên, sau nghỉ hưu làm trưởng ban Hậu tự chùa Vạn Điểm đã chứng kiến nhiều thay đổi lớn của ngôi chùa. Cụ bảo, sau bao năm, cảnh chùa đã có nhiều thay đổi, khang trang hơn, kiên cố hơn, nhưng dáng vẻ trầm mặc, cổ kính mà vẫn gần gũi với dân thì xưa nay vẫn vẹn nguyên. Người dân ở đây bất cứ có công việc gì, từ ma chay đến đám hỏi, đám cưới… đều ra chùa đầu tiên. Người ta tìm thấy ở đây niềm tin yêu và cảm giác thân thuộc như ngôi nhà thứ hai của mình.
Ước mong về một điểm du lịch tâm linh “rộng mở tâm hồn, phát triển trí tuệ”
Theo một người dân nơi đây, người ta thích vào chùa không chỉ bởi thói quen đã đi vào tiềm thức, mà bởi sư trụ trì hiền hậu, đức hạnh tài cao Thích Thanh Mạnh với những công việc thiện nguyện nức lòng gần xa. Vị sư trụ trì trẻ tuổi, mới chạm ngưỡng 30 nhưng người dân trong vùng ai cũng coi thầy như con cháu trong nhà.
Trong mắt mọi người: “thầy Mạnh hòa đồng lắm, thật thà, giúp đỡ người dân hết mực, lúc nào cũng khiêm tốn xưng con, xưng em…”. Ông Thiều kể, dù khó khăn thế nào, thầy vẫn cùng người dân làm từ thiện. “Thứ sáu nào nhà chùa cũng nấu một nồi cháo chừng 120 suất trao miễn phí cho bệnh nhân ở bệnh viện đa khoa Ý Yên. Hoạt động này đã duy trì được 5 năm. Hồi mới nấu cháo, toàn bộ ngôi chùa đang xây dựng ngổn ngang, vậy mà thầy Mạnh vẫn vừa nấu cháo vừa xây chùa, tuy nghèo nhưng nhà chùa không ngại khó, ngại khổ…”.
Thầy Thích Thanh Mạnh - Trụ trì chùa Vạn Điểm |
Không chỉ có hoạt động nấu cháo, hàng năm nhà chùa còn cố gắng kêu gọi các tấm lòng hảo tâm phát tâm từ thiện, tặng áo ấm, sách vở cho học sinh nghèo trong thị trấn, tặng xe lăn cho người khuyết tật… Đầu năm, cứ mùng 5 Tết, nhà chùa lại long trọng tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ trong làng. Nhà chùa lúc nào cũng vui tiếng chân người.
Những hoạt động từ thiện trong chùa có sức lan tỏa lớn, thắp lên ngọn lửa đoàn kết trong dân. Người dân khắp vùng hoan hỉ làm từ thiện cùng nhà chùa. Bà Đặng Thị Kim Liên - ông Dương Xuân Vinh chẳng ngần ngại phát tâm mua chăn, mua bình nước lọc… giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, các cháu mẫu giáo có hoàn cảnh khó khăn. Anh Trương Công Trung – một người dân Vạn Điểm tuổi còn trẻ, là một thợ đúc đồng lành nghề, tháng nào cũng phát tâm 1,2 triệu đồng cho nồi cháo từ thiện. Đoàn Thanh niên làng với những gương mặt ưu tú, trẻ tuổi trẻ lòng lúc nào cũng hướng về chùa, phật pháp…
Chia sẻ tâm nguyện của mình, thầy Thích Thanh Mạnh nói, ước mơ của thầy là tạo nên không gian chùa rộng rãi, cho các cháu vui chơi và học tập miễn phí. Các cháu vừa học Đạo, vừa học các thứ tiếng để hội nhập thế giới. Chùa nằm trong làng nghề truyền thống, muốn quảng bá được sản phẩm, các cháu phải giỏi ngoại ngữ để phát triển làng nghề.
Thầy cũng mong muốn xây dựng, trùng tu chùa thêm khang trang để chùa trở thành một điểm du lịch tâm linh ý nghĩa cho người dân quanh vùng và người dân khắp mọi miền Tổ quốc. Đó sẽ là một điểm đến tâm linh ý nghĩa cho người dân có cơ hội sống trong Đạo, được trải nghiệm, chiêm bái… là nơi người dân tìm về sau bộn bề công việc, tìm sự cân bằng trong tâm hồn, hòa mình vào không khí an nhiên, giúp tâm an, trí sáng, luôn được Phật hộ niệm trên bước đường giác ngộ.