Tôi đi đổi tiền. Lúc đó, tiền USD tôi để trong ví laptop còn ví trong người chỉ còn tiền euro. Anh chàng đổi tiền nhanh nhảu lém lỉnh. Ban đầu anh ấy không in hoá đơn cho tôi. Sau khi in xong, anh ấy trả thêm cho tôi hơn 600 rupi nữa (khoảng 15euro).
Từ New Delhi ngồi máy bay ATR hơn 90 phút là đến Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh. Trên xe từ sân bay về khách sạn, tài xế bảo rằng chưa qua mùa nóng đâu nhưng nhiệt độ đang khoảng 38 độ dù khoảng 9h sáng.
Vốn tôi chỉ biết đến Ấn Độ qua vài bộ phim Bollywood, một ít buổi trong môn Lịch sử văn minh phương Đông và trên wiki. 10 năm trước tôi cũng được một thầy trụ trì đang học tiến sĩ Phật học ở New Delhi giới thiệu sơ về sự phân tầng xã hội ở Ấn Độ nhưng trải nghiệm thực tế mới thấy nó khủng khiếp thế nào. Những người ở quầy lễ tân, mở cửa cho khách sạn thường rất cao ráo, sáng sủa. Họ thuộc tầng lớp bình dân. Những tạp vụ, dọn dẹp gương mặt đen đúa, khắc khổ. Bạn hướng dẫn cho đoàn nói rằng họ thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội - tiện dân.
Bạn tình nguyện viên được phân công giúp đỡ chúng tôi cũng thuộc tầng lớp bình dân. Anh ta cao phải đến 1m9, nước da ngăm đen. Chiều đó, anh dẫn chúng tôi đi dạo vài điểm của thành phố. Lucknow là thủ phủ bang nhưng bang này khá nghèo nên thành phố này làm tôi liên tưởng đến Tam Kỳ của Quảng Nam. Nơi đây, ngoài nhà thờ ra, chẳng có gì ấn tượng. Cứ mỗi ngã tư là một bức tượng lớn thờ các vị thần của đạo Hindu. 2-3 ngã tư là một nhà thờ.
Chúng tôi vào một nhà thờ đúng dịp lễ nguyện. Đèn giăng đầy, hoa vạn thọ xâu chuỗi nối treo khắp nơi.
Chúng tôi làm lễ. Được một thầy trong đạo tràng chấm cho một vạch bằng chất gì đó lên trán mà suốt đêm không phai, dù mồ hôi tôi ra như tắm. Họ cũng khoác trên cổ tôi một vòng hoa vạn thọ. May quá, đây là một trong số ít loại hoa tôi không bị dị ứng.
Đêm đó chúng tôi đi ăn ở ngoài, là một cửa hàng thức ăn nhanh. Quán bày trí như một cửa hàng thức ăn nhanh ở bất cứ nơi đâu nhưng người phục vụ không mặc đồng phục. 5 suất ăn nhưng chúng tôi phải đợi hơn 60 phút. Tôi không uống nước ngọt nhưng trong quán không có bán nước suối, tôi phải ra bên ngoài mua.
Chúng tôi đi chợ đêm. Ngoài những quầy bán các bộ trang phục truyền thống thì còn có rất nhiều quầy bán giày dép, cáp sạc, pin dự phòng và những quầy thức ăn, trái cây, sinh tố. Tôi mua vài món ăn vặt cho cả nhóm. Người bán hàng làm tôi rất hoài nghi về việc Ấn Độ là một trong những cái nôi toán học thế giới. Cửa hàng anh ta vắng khách nhưng phải nhẩm tính hơn 5 phút, anh mới tính ra tiền cho chúng tôi. Dù trước đó, tôi đã rút sẵn tiền cầm tay sau khi tính nhẩm.
Nói mới nhớ, cô bán hàng tạp hoá ở gần khách sạn cũng vậy. Cô tính tiền rất chậm. Dù tôi mua chỉ vài món vặt, cô hết lấy máy tính ra bấm thì lại kêu cậu phụ việc ra tính. Cả 2 người loay hoay phải hơn 5 phút mới tính ra 5 món tôi mua với tổng số tiền chưa đến 300 rupee.
Những kỷ niệm vụn vặt chưa thể nói nhiều về đất nước Ấn Độ, một đất nước chẳng lướt ngoài ô cửa mà hiểu. Phải quay lại đây một dịp nào đó, tôi tự nhủ. Nhưng đến giờ vẫn chưa có cơ hội.