Chiều nay (24/6), thông tin từ UBND tỉnh An Giang cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình vừa ký Quyết định số 1368, công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ Đông sông Châu Đốc, tại tổ 44, ấp An Thạnh, thị trấn An Phú, huyện An Phú.
Theo ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện An Phú diễn biến phức tạp trong những năm gần đây, đe dọa đến tính mạng, tài sản người dân sinh sống trong khu vực.
Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra khoảng 45 vụ sạt lở, rạn nứt, sụp lún bờ sông, kênh, rạch, với tổng chiều dài 2.514m, khiến 92 căn nhà phải di dời (trong đó có 9 căn nhà bị sụp hoàn toàn, 7 căn nhà bị sụp một phần xuống sông, kênh, rạch...)
Sạt lở bờ Đông sông Châu Đốc tại ấp An Thạnh. (Ảnh: Thanh Sang- TTXVN) |
Đặc biệt, tại khu vực trên, ngày 5/6/2021 xảy ra sạt lở với chiều dài 70m, ăn sâu vào đất liền 15m, từ điểm sạt lở đến mé tỉnh lộ 957 khoảng 20m làm ảnh hưởng đến 6 căn nhà (trong đó 2 căn nhà đã có bếp, nhà vệ sinh bị sụp xuống sông) và có khả năng ảnh hưởng đến những hộ dân lân cận trong thời gian tới.
Nguyên nhân sạt lở được xác định do địa hình khu vực này nằm trên đoạn gấp khúc của sông, dòng chảy uốn cong, gây xâm thực mạnh và tạo mái bờ dốc đứng, dạng hàm ếch, đồng thời ghe, tàu chạy tạo nên sóng gây bào mòn chân bờ. Ngoài các yếu tố tự nhiên, tình trạng người dân xây dựng nhà cửa, tường kè đôn cao nền lấn sông làm gia tăng tải trọng, không đảm bảo tải trọng giữa nền đất và mái dốc làm tăng nguy cơ sạt lở.
Theo dự báo, đoạn đường bờ dài 550 m từ cửa hàng vật liệu Quyên Phát đến Nhà máy nước đá Tân Long Hưng (thị trấn An Phú) nguy cơ xảy ra sạt lở trong thời gian tới, đe dọa đến an toàn tỉnh lộ 957.
UBND An Giang yêu cầu Sở Giao thông Vận tải tỉnh phối hợp với công an và các đơn vị có liên quan phân luồng, điều tiết giao thông đường thủy và đường bộ qua khu vực sạt lở; đồng thời khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công có đủ năng lực, kinh nghiệm, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách.
An Giang là địa phương bị sạt lở bờ sông nặng nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh này có 53 đoạn nằm trong cảnh báo sụp lún, với chiều dài hơn 170 km, nguy cơ ảnh hưởng khoảng 20.000 hộ dân. Trong đó, hơn 5.380 hộ cần di dời khẩn cấp.