Tại các khu vực từ Greenland qua Siberia và Alaska, những ngọn lửa đang lan rộng, đẩy lên những cột khói khổng lồ đi khắp khu vực phía trên của Bắc bán cầu, tạo ra một bầu không khí đầy ngột ngạt.
Được biết, câu chuyện diễn ra từ đầu tháng 6, khi có đến hơn 100 đám cháy bùng lên và thiêu rụi các đám cây bụi xung quanh vành đai Bắc Cực. Tại Nga, 11 trên tổng số 49 khu vực hiện đang chìm trong lửa. Với một mùa hè khô nóng đến bất thường, ngay cả hòn đảo băng giá Greenland hiện cũng đang có cháy trong nhiều ngày liền. Và biết gì không, ngọn lửa ấy thậm chí còn có thể quan sát được từ trên vũ trụ, thông qua hệ thống vệ tinh.
Hình ảnh từ NASA Worldview, do Pierre Marksue đăng tải. |
Trên thực tế, việc Bắc Cực có cháy cũng không đến mức quá hiếm, vì nơi đây có hệ thống cây bụi khá phong phú. Ngoài ra, có rất nhiều vực nước đóng băng tại đây giam khí methane bên trong, nên nếu khéo xử lý có thể tạo ra băng đá biết bốc lửa.
Tuy nhiên những năm gần đây, mọi chuyện đang dần tệ hại hơn do hệ quả từ biến đổi khí hậu. Hiện tại, số lượng các đám cháy với cường độ cực đoan đang là rất lớn.
Theo Thomas Smith, chuyên gia địa lý môi trường từ Trường Kinh tế London, thì cường độ cháy năm nay là chưa từng thấy trong tổng cộng 16 năm thu thập dữ liệu từ vệ tinh. Các đám cháy đang dần chạm đến trữ lượng carbon, và có thể khiến quá trình khí hậu nóng lên mạnh hơn.
"Đây là một trong những đám cháy lớn nhất hành tinh, thậm chí có những nơi rộng hơn 100.000ha" - Smith cho biết.
"Lượng CO2 thải ra từ vành đai Bắc Cực trong tháng 6/2019 đang lớn hơn những gì thải ra từ TOÀN BỘ các đám cháy trong cùng thời kỳ từ 2010 - 2018".
Ngay cả những khu vực chưa cháy cũng đang phải chịu hậu quả. Theo ghi nhận từ trạm quan sát Trái đất của NASA, hiện có một cột khói khổng lồ đang phủ lên nước Nga, khiến chất lượng không khí trong các thành phố lớn giảm sút thậm tệ.
Các chuyên gia đánh giá rằng nếu không có động thái ngăn chặn, hệ quả của những đám cháy này sẽ rất khủng khiếp, nhất là đối với quá trình biến đổi khí hậu hiện nay.