Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Physical Review D đã đưa ra lời giải về những khoảng trống bí ẩn, méo mó, khó hiểu, đôi khi có viền đỏ, trông như những lỗ thủng trống hoác trên bầu trời. Theo các nhà nghiên cứu, khoảng trống đó là một điều tốt.
Molecular Cloud Barnard 68. tuy được gọi là "đám mây phân tử", nhưng thật ra lại giống với một khoảng trống hơn - Ảnh: NASA |
Nhóm khoa học gia do nhà nghiên cứu Seshadri Nadathur từ Đại học Portsmouth (Anh) dẫn đầu, cho biết họ đã đo được sự biến dạng ở khu vực "viền" của các khoảng trống không gian cách trái đất 5,5 tỉ năm ánh sáng và mô hình hóa chính xác sự chuyển động của các thiên hà.
Khu vực viền các "lỗ thủng" vũ trụ này xuất hiện một số ánh sáng màu đỏ, là kết quả của "dịch chuyển đỏ" – một minh chứng các thiên hà đang di động. Khi di chuyển về phía xa, bước sóng của ánh sáng từ thiên hà như bị kéo dài, tạo nên hiệu ứng thị giác khiến chúng như đỏ hơn. Ngược lại, khi một thiên hà di chuyển về gần chúng ta, chúng sẽ trở nên xanh hơn.
Các "dịch chuyển đỏ" đã sinh ra và làm cho lỗ thủng vũ trụ lớn thêm. Nói cách khác, các khoảng trống dị thường quan sát được chính là kết quả của việc các thiên hà di chuyển ra phía xa, để lại khu vực trống trơn không ánh sáng sao ở giữa. Thứ khiến các thiên hà di chuyển được gọi là "năng lượng tối".
Và năng lượng tối này chính là thứ gây ra sự giãn nở vũ trụ, một điều tốt cho quá trình tiến hóa của vũ trụ. Theo các tác giả, năng lượng tối như một thế lực vô hình kéo vũ trụ dài ra, từ đó khiến các thiên hà cách xa nhau.
Tuy nhiên, lực hấp dẫn từ các vật thể khiến các thiên hà có xu hướng cố gắng trôi lại gần những khu vực giàu vật chất, vì vậy quá trình giãn nở vũ trụ mà năng lượng tối thúc đẩy đã sinh ra những khoảng trống bí ẩn mà các nhà thiên văn quan sát được. Vì là hư không, không thể trực tiếp quan sát, các nhà khoa học đã phải lợi dụng ánh xạ từ các thiên hạ để nắm bắt các "vật thể" bí ẩn bậc nhất vũ trụ này.