Thông tin được đưa ra ngày 26/1, là một phần trong nỗ lực của giới chức y tế Trung Quốc trong công tác ngăn chặn sự lây lan của bệnh viêm phổi chết người.
Theo tuyên bố của Ủy ban Y tế Bắc Kinh, loại thuốc được sử dụng tên Lopinavir và Ritonavir, được chứng minh là hiệu quả trong điều trị virus corona. Hai loại thuốc kháng retrovirus, hạn chế HIV liên kết với các tế bào khỏe mạnh và sinh sản, thường sử dụng kết hợp.
Ba bệnh viện được chỉ định thử nghiệm bao gồm Bệnh viện Ditan Bắc Kinh, Bệnh viện Youan Bắc Kinh và Trung tâm y tế số 5 của Bệnh viện đa khoa Quân đội.
Một nghiên cứu mới về 41 trường hợp được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet vào ngày 24/1 ghi nhận hiệu quả lâm sàng đáng kể từ việc sử dụng thuốc trị bệnh SARS cho bệnh nhân nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán.
Tuy nhiên, các chuyên gia tuyên bố chưa có biện pháp nào được công nhận chính thức. Chưa có cách điều trị bằng thuốc kháng virus đối với chủng nCoV được chứng minh là có hiệu quả. Sự kết hợp giữa Lopinavir và Ritonavir đến nay có hiệu quả hơn cả trên lâm sàng.
Ngày 25/1, Bác sĩ Liang Wudong 62 tuổi, thường xuyên tiếp xúc điều trị bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán đã tử vong. Theo truyền thông Trung Quốc, Liang là bác sĩ chính thường xuyên khám, điều trị bệnh nhân viêm phổi do virus nCOV tại bệnh viện Xinhua Hồ Bắc từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tính đến ngày 26/1, thành phố Bắc Kinh ghi nhận 51 trường hợp viêm phổi, trong đó 2 người đã được chữa khỏi, 49 người còn lại vẫn lưu viện, một người trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh viêm phổi lạ khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và lan rộng ra khắp các tỉnh thành phố trên cả Trung Quốc. Hiện, nước này ghi nhận 1.975 ca bệnh và 56 trường hợp tử vong. Virus cũng lan rộng sang Mỹ, Australia, Pháp và nhiều nước châu Á bao gồm Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam và Malaysia.
Vũ Hán và 13 thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc đã bị phong tỏa trong nỗ lực kiểm dịch chưa từng có tại Trung Quốc, nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm bệnh hô hấp chết người.
Các nhóm nghiên cứu độc lập từ Mỹ và Trung Quốc cũng đang trong quá trình nghiên cứu vắcxin chống lại virus nCoV, dự kiến thử nghiệm trên người trong vòng 3 tháng tới.