Rác thải bủa vây khu dân
Trên đường đi, ngoài đồng ruộng, dưới mương nước, thậm chí ngay sát các khu dân cư, trường học ở phường Châu Khê, đâu cũng tràn ngập các loại rác thải, túi nilon, bao tải chứa rác thải sinh hoạt. Rác thải ùn ứ chưa được xử lý, lưu cữu phơi nắng, dầm mưa nhiều ngày, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi muỗi bám đầy, nước bẩn rỉ ra gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bà Trần Thị Lộc, thôn Trịnh Xá, cho biết: “Đống rác ngay sát ria đường Lý Thường Kiệt này là do nhiều người đổ trộm. Người đi chợ qua tiện tay là vứt rác. Các xưởng sản xuất gần đây, đêm đến không có người cũng chở rác thải sản xuất, sinh hoạt ra đổ”. Chị Nguyễn Thị T, phường Châu Khê. cho biết thêm: “Mỗi khi bãi rác khu Cầu Cao đốt, khói, khí thải bay vào làng, chúng tôi ngửi không chịu được”.
Chủ tịch UBND phường Châu Khê Trần Văn Thắng cũng thừa nhận: “Vấn đề rác thải sinh hoạt trên địa bàn phường còn rất nhiều bất cập, vẫn còn tình trạng người dân đổ rác thải bừa bãi, thậm chí nơi khác lợi dụng ban đêm mang đến đổ trộm rác vào bãi Cầu Cao. Việc vứt rác tùy tiện gây ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Phường sẽ tích cực tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường”.
Phường Châu Khê có 4.300 hộ dân, với hơn 17.200 nhân khẩu sinh sống ở 6 khu phố. Trên địa bàn phường còn có cụm công nghiệp sản xuất thép Châu Khê với hơn 1.700 cơ sở sản xuất, trong đó làng nghề Đa Hội gần 1.000 cơ sở đúc phôi thép, cán thép, mạ, làm đinh, đan lưới thép, thu hút khoảng 6.000 lao động từ các địa phương khác. Vì vậy, bình quân mỗi ngày toàn phường phát sinh trên dưới 20 tấn rác thải sinh hoạt. Phần lớn rác thải ở đây khó tiêu hủy, cần phải được phân loại, xử lý đúng quy trình.
Riêng cụm công nghiệp sản xuất thép Châu Khê, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh, mỗi ngày các cơ sở sản xuất sử dụng khoảng 40.000 tấn than củi các loại và 18.000m3 nước, thải ra môi trường 150 tấn rác thải công nghiệp và trên dưới 1 tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 15.000m3 nước thải… Tất cả các chất thải này đều thải trực tiếp ra môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất của làng nghề; đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Vấn đề lượng rác sinh hoạt thải ra hàng ngày của phường Châu Khê được 6 tổ thu gom của 6 khu phố đảm nhiệm. Mọi chi phí do các tổ tự thu phí vệ sinh môi trường theo quy định của UBND tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50% số hộ gia đình nộp phí. Vì vậy, hàng năm, phường vẫn phải chi một khoản kinh phí lớn để thu gom, xử lý rác tại hố chôn lấp.
Chưa có biện pháp xử lý lâu dài
Dù biết là rác thải sinh hoạt đang gây ô nhiễm môi trường, nhưng nhiều năm qua, các cấp chính quyền phường Châu Khê vẫn bế tắc trong việc xử lý. Chủ tịch UBND Phường Châu Khê Trần Văn Thắng, cho biết: “Bất cập nhất vấn đề rác thải ở phường châu khê là các biện pháp xử lý. Tỉnh cũng hỗ trợ chế phẩm vi sinh trong việc xử lý rác hạn chế ô nhiễm môi trường, nhưng không thể sử dụng mãi biện pháp chôn lấp. Vấn đề khó nữa là việc xây dựng các bãi rác thải hiện nay là rất khó khăn, vì quỹ đất của địa phương đều năm trong quy hoạch dự án xây dựng khu đô thị. Mong làm sao tỉnh sớm triển khai nhà máy xử lý rác thải chung của thị xã để các phường đỡ khổ”.
Rác thải vứt bừa bãi khắp mọi nơi. |
Được biết, năm 2014 phường Châu Khê xây dựng 1 bãi tập kết rác tập trung tại Cầu Cao của khu phố Đa Hội và Song Tháp, có diện tích khoảng 5.000 m2. Tại khu vực náy, phường đào hố chôn lấp sâu khoảng 4 m, rộng 3.000 m2 để tập kết toàn bộ rác thải của cả 6 khu phố. Trong quá trình sử dụng, UBND phường phải bỏ kinh phí thuê phương tiện san gạt rác để tăng diện tích sử dụng; rắc chế phẩm sinh học hạn chế ô nhiễm.
Phường dự kiến sử dụng hố chôp lấp này trong 5 năm, nhưng đến nay đã đầy. Vì vậy, rác thải tràn ra cả kênh mương, nhất là khi trời mưa, nước ngấm từ hố rác sang ruộng canh tác gây ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường khu vực xung quanh.
Rác ùn ứ lâu ngày ở Châu Khê được xử lý bằng cách là đốt. |
Trước thực trạng này, tháng 9-2017, thị xã Từ Sơn đã khảo sát địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tạm thời ở vị trí bãi tập kết rác Cầu Cao của khu phố Đa Hội và Song Tháp. Đồng thời, lựa chọn nhà đầu tư lắp đặt lò đốt theo hình thức xã hội hóa, với công nghệ hiện đại được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm vệ sinh môi trường theo quy định; thời gian hoạt động của lò đến hết năm 2020. Tuy nhiên, việc xây dựng lò đốt cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, xử lý tình huống .Về lâu dài, phường Châu Khê vẫn rất cần một giải pháp xử lý triệt để, bền vững hơn.
Trong khi chờ các phương án xử lý thì vấn đề rác thải sinh hoạt ở phường Châu Khê đang thực sự cấp bách. Đến khi nào rác thải ở đây mới được xử lý triệt để, môi trường được cải thiện là những câu hỏi chưa có lời giải.
Theo Báo Tài Nguyên và Môi Trường