Trước đó, quốc gia Nam Á này đã trải qua một giai đoạn bất ổn sau nhiều xảy ra các vụ biểu tình sinh viên buộc Thủ tướng Sheikh Hasina phải từ chức và chạy trốn ra nước ngoài.
Ông Yunus, 84 tuổi, người duy nhất đoạt giải Nobel của Bangladesh, đã được các tổ chức sinh viên vận động ra lãnh đạo đất nước. Ông dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức cố vấn trưởng cùng với một nhóm cố vấn vào cuối ngày thứ Năm.
Nổi tiếng là một người hào hiệp và có quan điểm chống chính quyền của Thủ tướng Hasina, ông Yunus đã được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2006 sau khi thành lập một ngân hàng tiên phong trong cuộc chiến chống đói nghèo bằng các khoản vay nhỏ cho người nghèo tại Bangladesh.
Ông Yunus dự kiến sẽ đến thủ đô Dhaka từ Paris sau một thời gian an dưỡng.
"Tôi mong muốn được trở về nhà và xem những gì đang diễn ra ở đó và làm thế nào chúng tôi có thể tự thoát khỏi mớ rắc rối mà chúng tôi đang gặp phải", ông Yunus nói trước khi lên chuyến bay vào tối thứ Tư.
Việc Thủ tướng Hasina rời khỏi đất nước mà bà đã cai trị trong gần 5 nhiệm kỳ đã tạo ra một làn sóng bất ổn tại Bangladesh. Đám đông xông vào tư dinh của bà Hasina để đập phá và hôi của.
Sau khi rời khỏi Bangladesh, bà Hasina đã đến tị nạn tại một căn cứ không quân gần thủ đô New Dehli của Ấn Độ.
Là con gái của người sáng lập Bangladesh Mujibur Rahman, bà Hasina đã sống sót sau vụ ám sát cha bà và hầu hết gia đình vào năm 1975. Bà đã điều hành Bangladesh trong 20 năm qua.
Các cuộc biểu tình của sinh viên phản đối hạn ngạch việc làm của chính phủ đã leo thang vào tháng 7 và khiến hơn 250 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương khi những người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh và những người ủng hộ đảng Liên đoàn Awami của Thủ tướng Hasina.
Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ khi ngành may mặc mở rộng, nền kinh tế trị giá 450 tỷ USD của Bangladesh đã phải vật lộn với tình trạng nhập khẩu tốn kém, lạm phát và thất nghiệp.
Ông Yunus và Đảng Dân tộc Bangladesh đã kêu gọi sinh viên kiềm chế và chấm dứt bạo lực.
"Không phá hoại, trả thù hay báo thù", bà Khaleda Zia, 78 tuổi, lãnh đạo BNP, phát biểu qua video từ giường bệnh của bà trước hàng trăm người ủng hộ tại một cuộc biểu tình ở thủ đô Dhaka.
Bà Zia, người đã được thả khỏi tình trạng quản thúc tại gia hôm thứ Ba, và người con trai Tarique Rahman, đã phát biểu tại cuộc biểu tình và kêu gọi tổ chức bầu cử quốc gia trong vòng 3 tháng.