Dự án khu tái định cư xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ được khởi công xây dựng năm 2015 nhằm ổn định đời sống cho 35 hộ dân vùng bán ngập Hồ Núi Cốc. Khu tái định cư có diện tích hơn 3 ha, tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sau gần 10 năm từ ngày khởi công, dự án vẫn đang bị bỏ hoang, trở thành bãi chăn thả gia súc, hệ thống cống thoát nước, điện chiếu sáng đã xuống cấp, taluy đã sạt lở từ khi san gạt mặt bằng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Toàn, xóm 9, xã Vạn Thọ thuộc diện tái định cư do nằm trong vùng bán ngập Hồ Núi Cốc. Bà Toàn cho biết, năm nào vào mùa mưa cũng ngập, nhanh thì hai ngày nước rút, có đợt cả tuần, nước rút lại dọn dẹp bùn đất. Giờ chuyển đi, dân không biết đi đâu. Khu tái định cư chưa hoàn thiện đã sạt lở.
Khu tái định cư di dân vùng thiên tai có nguy cơ lũ ống, lũ quét xã Văn Yên, huyện Đại Từ được triển khai xây dựng từ năm 2011. Theo thiết kế, dự án được chia thành 92 lô đất. Đến thời điểm hiện tại, 73 lô đất đã được giao cho các hộ, trong đó có 4 hộ trả lại đất tái định cư do không có nhu cầu di chuyển, 4 hộ chuyển khỏi nơi ở cũ nhưng không ở khu tái định cư, 24 hộ chuyển đến sinh sống ổn định và có 41 hộ đã làm nhà tại khu tái định cư nhưng không ở mà vẫn tiếp tục sinh sống tại nơi ở cũ.
Hiện tại, Khu tái định cư còn 19 lô đất chưa giao, trong đó có 2 lô bị thiếu diện tích. Khu tái định cư đã hoàn thiện hạ tầng, nằm ngay gần trung tâm xã nhưng các hộ dân nhận đất, xây nhà tạm xong không đến ở,… đã khiến khu tái định cư hoang vắng, cỏ mọc um tùm. Nhiều căn nhà dân xây xong không ở đã xuống cấp.
Gia đình ông Nguyễn Văn Toán, xóm Cầu Găng, xã Văn Yên thuộc diện phải di chuyển đến khu tái định cư để tránh lũ ống, lũ quét. Sau khi nhận đất, làm nhà với số tiền 20 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ, gia đình ông vẫn sinh sống tại nơi ở cũ. Ông Nguyễn Văn Toán chia sẻ, chủ trương của Nhà nước chúng tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên, đa phần các hộ làm nông nghiệp. Giờ chuyển ra khu tái định cư, đất chật hẹp chỉ đủ làm nhà ở. Ruộng vườn vẫn ở chỗ cũ nên phải về để canh tác. Lúc mưa gió, di chuyển ra khu tái định cư cho an toàn, nắng đẹp lại về nơi cũ chăn nuôi, làm ruộng.
Theo ông Vũ Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Yên, nguyên nhân các hộ chưa di chuyển ra khu tái định cư sinh sống ổn định do diện tích đất cấp cho dân nhỏ hẹp, lô nhỏ nhất 91 m2, lô rộng nhất 187 m2. Với diện tích này, người dân phản ánh chỉ đủ để ở chứ không có diện tích để phát triển kinh tế gia đình theo phong tục tập quán cũ như chăn nuôi, trồng cây, trồng rau. Đồng thời, vị trí khu tái định cư mới lại xa với nơi ở cũ, xa với diện tích đất canh tác của các hộ nên gây khó khăn trong việc sản xuất.
Có trường hợp thuộc diện di chuyển nhưng đến nay không còn nhu cầu di chuyển do đoạn suối đã được Nhà nước đầu tư xây dựng kè chống sói lở, nguy cơ xảy ra lũ ống lũ quét được hạn chế.
Phó Chủ tịch UBND xã Văn Yên cho biết, với các hộ không còn nhu cầu chuyển ra khu tái định cư, xã đã đề nghị huyện, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh thu hồi để Nhà nước sử dụng vào việc khác. Các lô đất còn lại, xã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét đưa vào quỹ đất chung của Nhà nước để quản lý sử dụng hoặc cho đấu giá thanh lý. Đặc biệt, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cần tiến hành các thủ tục bàn giao khu tái định cư lại cho huyện, xã để chính quyền địa phương quản lý, tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân, vận động nhân dân ra khu tái định cư sinh sống cho an toàn.
Ông Triệu Văn Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết, Chi cục vẫn đang phối hợp với chính quyền địa phương các cấp giải quyết các vướng mắc tại hai khu tái định cư nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đối với dự án di dân vùng bán ngập Hồ Núi Cốc tại xã Vạn Thọ, các cấp đang khảo sát thực tế, tìm hiểu nguyện vọng di chuyển của các hộ dân. Còn tại khu tái định cư di dân vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét xã Văn Yên, Chi cục sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để bàn giao cho địa phương quản lý và tích cực vận động người dân di chuyển từ nơi ở cũ ra khu tái định cư sinh sống cho an toàn, đảm bảo tài sản, tính mạng khi mùa mưa bão.