Theo thông tin từ báo Kiến Thức, ngày 6/11, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Gia Lai cho biết, sức khỏe của em Đinh Đ. (9 tuổi, trú làng T’pôn, xã Yang Nam, huyện Kông Chro) đã bình phục, có thể xuất viện được.
Trước đó, Đinh Đ. và một trẻ khác là em Đinh C. (9 tuổi, trú cùng làng) được Trung tâm Y tế huyện Kông Chro chuyển đến Bệnh viện Nhi Gia Lai cấp cứu với các triệu chứng nôn mửa, đau đầu, chóng mặt. Đến khoảng 18h cùng ngày, em Đinh C. tử vong do ngộ độc quá nặng. Người nhà các em cho biết, chiều 3/11, Đinh C. và Đinh Đ. bắt cóc làm thịt tại chòi rẫy. Sợ trên thân cóc có nhiều bộ phận chứa độc tố nên các em đã cắt bỏ đầu, da và nội tạng, chỉ lấy phần thịt và trứng cóc đem nướng ăn, không ngờ vẫn bị ngộ độc.
Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, em Đ. đã bình phục - Ảnh: Zing |
Trao đổi với báo Sức khỏe Đời sống, BS. Từ Thị Mai Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai cho biết, trong vòng một tháng qua, bệnh viện đã tiếp nhận 4 ca ngộ độc do ăn thịt cóc, sau quá trình điều trị tích cực các bệnh nhân đều ổn định sức khỏe.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân không nên ăn mật cóc để trị bệnh. Người dân chỉ nên sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành
Còn về triệu chứng biểu hiện của của ngộ độc, TS. Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện 1-2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu, bia) với các biểu hiện như bị chướng bụng, đau bụng trên rốn, nôn mửa, tiêu chảy, hồi hộp, tim đập nhanh. Nạn nhân có thể rơi vào tình trạng truỵ tim mạch, rối loạn cảm giác, chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp, tử vong.
Tổng hợp