Bế mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 16/8, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 36.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau 1 tuần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên họp thứ 36, tập trung cho ý kiến về một số nội dung trình Quốc hội và xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền; trong đó đã tổ chức thành công giám sát chuyên đề và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các cơ quan hữu quan đã tích cực thảo luận, phân tích vấn đề từ nhiều khía cạnh, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng đối với các nội dung được xem xét tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan bám sát kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhanh chóng triển khai các công việc tiếp theo để bảo đảm chất lượng và tiến độ của từng nội dung, nhất là các nội dung sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cần tiếp tục phát huy các kết quả đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và kết luận chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018; khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để xử lý những tồn tại hạn chế, tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, sau 3 tuần nữa sẽ diễn ra phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khối lượng công việc rất lớn. Dự kiến phiên họp thứ 37 sẽ diễn ra trong 2 tuần làm việc. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan tổ chức hữu quan tích cực, khẩn trương chỉ đạo sát sao, chặt chẽ việc chuẩn bị các nội dung trong dự kiến chương trình Phiên họp thứ 37 bảo đảm chất lượng và tiến độ. Các dự án luật dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 8 phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 37, nhất là các dự án luật được bổ sung.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong phòng cháy, chữa cháy

Trước đó, sáng cùng ngày, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018.

Bế mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, giai đoạn 2014 - 2018, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh; số lượng các cơ sở, công trình, khu công nghiệp, khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng, nhà siêu cao tầng, chợ, trung tâm thương mại và các cơ sở khác ngày càng gia tăng cả về số lượng và quy mô; trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị; biến đổi khí hậu toàn cầu làm nhiệt độ trái đất tăng lên, phong tục tập quán sinh hoạt, sản xuất ở nhiều nơi còn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, đã tác động không nhỏ đến tình hình cháy, nổ và công tác phòng cháy chữa cháy trên cả nước.

Qua giám sát, Đoàn giám sát nhận thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy chữa cháy được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo; các địa phương, cơ sở tích cực thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về công tác phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, các hình thức, biện pháp tuyên truyền thiếu chiều sâu, chậm đổi mới; kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền còn hạn hẹp… nên ý thức của người dân về phòng cháy chữa cháy ở nhiều nơi còn thấp.

Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy cơ bản được ban hành kịp thời, làm cơ sở cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý trong việc đưa ra các giải pháp thiết kế về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, theo Đoàn giám sát, nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn có những quy định không còn phù hợp tình hình hiện nay nhưng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung; có những loại hình cơ sở có tính chất đặc thù nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, phải vận dụng tiêu chuẩn nước ngoài nên gặp phải những khó khăn do thiếu đồng bộ giữa hệ thống cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật của Việt Nam và các quốc gia này.

Trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy cho 29.230 dự án, công trình. Hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Công tác kiểm định và chứng nhận an toàn đối với các phương tiện giao thông có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy được thực hiện nghiêm túc, với sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Do vậy, các vụ cháy đối với phương tiện giao thông có yêu cầu đặc biệt về phòng cháy chữa cháy trên cả nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Giai đoạn 2014 - 2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng mới 96.792 phương án chữa cháy, tổ chức thực tập 52.032 phương án, trong đó có 3.642 phương án xử lý tình huống cháy, nổ lớn có huy động nhiều lực lượng. Trong 4 năm, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã tham gia và phối hợp với các lực lượng dập tắt được gần 10 nghìn vụ cháy (chiếm 73,1% số vụ cháy); lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ xử lý được trên 3.000 vụ cháy từ khi phát sinh.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy ở một số cơ sở còn tính hình thức, đối phó. Việc xây dựng, bố trí các điều kiện chữa cháy (giao thông, nguồn nước, phương tiện...) chưa được quan tâm, chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy. Nhiều vụ cháy do không được dập tắt kịp thời đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng phòng cháy chữa cháy chưa thực sự chặt chẽ.

Công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ để ứng dụng vào công tác phòng cháy chữa cháy còn hết sức hạn chế, đa phần các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, chất chữa cháy hiện nay là nhập khẩu từ nước ngoài. Tương tự, xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy đã được Chính phủ quan tâm, một số địa phương chủ động ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư và huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nhưng theo Đoàn giám sát, hiệu quả của công tác xã hội hóa chưa cao.

Trên cơ sở kết quả giám sát, những dự báo về tình hình cháy, nổ trong thời gian tới và đặc biệt là qua những hạn chế, bất cập đã chỉ ra trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát; gắn yêu cầu bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy trong hoạt động thẩm tra, xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đối với Chính phủ, Đoàn giám sát đề nghị cần nghiên cứu, đề xuất chủ trương xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại; chỉ đạo rà soát, xây dựng, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng cháy chữa cháy; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực có liên quan đến phòng cháy chữa cháy.

Đồng thời, Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị; chỉ đạo bố trí ngân sách phòng cháy chữa cháy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng cháy chữa cháy; tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế về phòng cháy chữa cháy; có chính sách phù hợp khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở phòng cháy chữa cháy, tham gia hoạt động phòng cháy chữa cháy.

Quan tâm xây dựng, bố trí các điều kiện chữa cháy

Bế mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ảnh 2

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo Báo cáo kết quả giám sát, trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy, trong đó tập trung xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ mà lực lượng dân phòng giữ vai trò nòng cốt tại địa bàn dân cư theo phương châm "bốn tại chỗ" (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

Hiện nay, tỷ lệ thành lập lực lượng phòng cháy chữa cháy ở cơ sở còn thấp so với quy định (đội dân phòng đạt tỷ lệ 23%; đội phòng cháy chữa cháy cơ sở đạt tỷ lệ 66%; đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành đạt tỷ lệ 63%). Các đơn vị Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chưa được bố trí đầy đủ theo yêu cầu nhiệm vụ, bán kính hoạt động xa, số lượng cơ sở lớn so với quy định đã hạn chế hiệu quả hoạt động.

Đoàn giám sát cũng nhận thấy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng mới phương án chữa cháy, tổ chức thực tập xử lý tình huống cháy, nổ lớn. Từ năm 2014 - 2018, trong khi lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã tham gia và phối hợp với các lực lượng dập tắt được gần 10 nghìn vụ cháy (chiếm 73,1% số vụ cháy), lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ xử lý được trên 3.000 vụ cháy từ khi phát sinh, việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy ở một số cơ sở còn mang tính hình thức, đối phó.

Việc xây dựng, bố trí các điều kiện chữa cháy (giao thông, nguồn nước, phương tiện...) chưa được quan tâm, chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy. Nhiều vụ cháy do không được dập tắt kịp thời đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Để phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ, một số đại biểu đề nghị, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng cháy chữa cháy cho người dân - một lực lượng tại chỗ quan trọng để phòng cháy chữa cháy. Một số Ủy viên Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần quan tâm xác định, triển khai các biện pháp kỹ thuật để góp phần phòng ngừa cháy nổ, cũng như hạn chế thiệt hại khi xảy ra...

Theo Báo Tin tức
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.