Theo BHXH Việt Nam, hiện tổng số nợ BHXH, BHYT của người lao động (NLĐ) lên tới 12.000 tỉ đồng. Trong đó, nợ BHXH khoảng 10.000 tỉ đồng, nợ BHYT khoảng 2.000 tỷ đồng. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 8.000 DN "mất tích", với nợ BHXH khoảng 2.000 tỉ đồng. BHXH Việt Nam đánh giá số nợ này rất khó đòi, thậm chí không có khả năng thu hồi. Trong đó, đến hết năm 2017 cả nước đã ghi nhận hơn 100 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chủ DN đã bỏ trốn hoặc trong tình trạng "mất tích".
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội giám sát vấn đề thực thi chế độ, chính sách BHXH năm 2017 với Bộ LĐ-TB-XH mới đây, vấn đề xử lý nợ đọng BHXH của NLĐ tại các DN có chủ bỏ trốn, phá sản, giải thể được các đại biểu đề cập khá nhiều, bởi đến nay vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn về xử lý cụ thể.
Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, hiện có 2 vấn đề nảy sinh. Thứ nhất là chưa thống nhất được về nguồn tài chính để xử lý; cụ thể là nguồn tài chính lấy từ lãi của Quỹ BHXH để giải quyết cho NLĐ bị rủi ro, bị nợ BHXH, hay là lấy nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước. Thứ hai, là thẩm quyền quyết định lấy nguồn ngân sách nói trên thuộc về ai?
Theo NLĐ