Bệnh bạch hầu có thể gây biến chứng suy thận, viêm cơ tim, tổn thương thần kinh

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bạch hầu là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tim, thận và hệ thần kinh, có thể dẫn đến tử vong.
Cán bộ y tế ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An lấy mẫu đối với những người liên quan đến ca bệnh bạch hầu
Cán bộ y tế ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An lấy mẫu đối với những người liên quan đến ca bệnh bạch hầu

Thời gian qua, bệnh bạch hầu xuất hiện ở Nghệ An và Bắc Giang, đã có 1 ca tử vong, hơn 100 người ở hai địa phương tiếp xúc gần với bệnh nhân phải cách ly theo dõi và điều trị dự phòng. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm B, thời gian gần đây xuất hiện rải rác ở một số địa phương, bệnh có nguy cơ tử vong cao hơn nhiều lần so với COVID-19.

Phóng viên Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

- Ông đánh giá như thế nào về diễn biến bệnh bạch hầu hiện nay?

- Bệnh bạch hầu trước đây lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được kiểm soát, giảm rõ rệt từ gần 3.500 trường hợp mắc năm 1983 đến giai đoạn hiện nay thường chỉ còn ghi nhận các ổ dịch nhỏ, các trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại.

- Nguy cơ lây lan ra cộng đồng của bệnh này như thế nào, thưa ông?

- Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Tác động của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em trên toàn thế giới cũng như tại nước ta. do đó nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin trong những năm gần đây. Vì vậy, có thể ghi nhận các ca mắc mới, các ổ dịch nếu không kịp thời triển khai quyết liệt, liên tục các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch, nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh.

Bệnh bạch hầu có thể gây biến chứng suy thận, viêm cơ tim, tổn thương thần kinh ảnh 1
TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

- Bạch hầu thường bị nhầm lẫn với viêm họng, ông có thể nói rõ hơn các biểu hiện của bệnh bạch hầu? Người dân cần phải làm gì để phòng chống lây nhiễm, mắc bệnh?

- Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi…, trường hợp nặng gây biến chứng (viêm cơ tim, suy thận, tổn thương thần kinh…) và có thể tử vong. Bệnh đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm các vắc xin có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế.

- Ngành y tế đã triển khai những giải pháp gì để khống chế bệnh, thưa ông?

- Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, ngành y tế đã và đang triển khai các hoạt động phòng chống dịch, tập trung một số giải pháp cơ bản như sau:

(1) Khẩn trương lập kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch;

(2) Thực hiện giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại cộng đồng, điều tra các trường hợp tiếp xúc gần, điều trị kháng sinh dự phòng; lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời và triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch;

(3) Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

(4) Rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu, tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp;

(5) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh;

(6) Tổ chức việc theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc tại các cơ sở đào tạo;

(7) Rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vắc xin, thuốc kháng sinh điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các nhiệm vụ chống dịch;

(8) Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế dự phòng, công tác điều trị các tuyến và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Khám phá công trình kiến trúc Pháp cổ trên "Giao lộ sáng tạo"
Khám phá công trình kiến trúc Pháp cổ trên "Giao lộ sáng tạo"
(Ngày Nay) - Tháng 11/2024, hàng loạt các công trình kiến trúc Pháp cổ sẽ được mở cửa đón khách tham quan, trải nghiệm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ Sáng tạo” do UBND TP Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Văn hóa thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức.
AI - Cơ hội hay rủi ro trong thế giới xuất bản?
AI - Cơ hội hay rủi ro trong thế giới xuất bản?
(Ngày Nay) - Hãy tưởng tượng một thế giới nơi mỗi cuốn sách bạn đọc được cá nhân hóa hoàn toàn. Hãy hình dung có một trợ lý không chỉ nhớ tất cả những cuốn sách bạn đã đọc, mà còn phân tích sâu sắc sở thích, phản ứng cảm xúc của bạn, và thậm chí sáng tạo ra những câu chuyện độc đáo, chỉ dành riêng cho bạn. Mỗi trang sách, mỗi đoạn văn, trở thành cuộc trò chuyện thân mật giữa bạn và một "người bạn" am hiểu bạn hơn bất kỳ ai….
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương chúc mừng các đồng chí được thăng quân hàm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao quyết định thăng quân hàm cho lãnh đạo Công an và Quân đội
(Ngày Nay) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, các đồng chí được thăng cấp bậc hàm, quân hàm Đại tướng, Thượng tướng hôm nay là những sĩ quan ưu tú được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, trao giữ các cương vị, trọng trách quan trọng trong lãnh đạo, chỉ huy lực lượng Quân đội, Công an...
Ảnh minh hoạ.
Chuyển đổi năng lượng là thách thức lớn trong chuyển đổi sang nền kinh tế xanh
(Ngày Nay) - Trong khảo sát mới đây về mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thực hiện đối với trên 2.700 doanh nghiệp cho thấy, có tới 44,2% doanh nghiệp có khó khăn trong tìm ra các giải pháp kỹ thuật cụ thể. Chỉ có 6,3% doanh nghiệp được khảo sát cho biết không gặp khó khăn gì.