Bi kịch không tiền ngay cả khi qua đời

Những số phận lao động di cư “dập khuôn” trong sự tù túng của những xóm trọ thành phố. Họ có thể có được cái quan tài lúc chết, nhưng có lẽ hỏi đến mảnh đất chôn, lại thành câu khó trả lời.
Bi kịch không tiền ngay cả khi qua đời

Giấc mơ có chiếc quan tài

Dăm ba con cá, một chậu tôm, đôi quang gánh, chiếc cân móc và cái thùng xốp đựng đá, đó là gánh hàng của bà Đoàn Thị Tuệ (53 tuổi) quê ở Thọ Vinh, Kim Động, Hưng Yên. Gần chục năm qua, ở khu chợ Hàm Tử Quan này, người dân đã quen thuộc với hình ảnh của bà - người đàn bà mù bán cá nơi góc chợ.

Bà bắt đầu ngày mới lúc 3h sáng. Giờ người ta đang say giấc thì bà và những gười lao động trong xóm trọ Phúc Tân bắt đầu phải thức giấc để đi kiếm miếng ăn. Bà đi bộ từ xóm trọ lên chợ Long Biên, tìm vào những nhà đầu mối để mua tôm cá. Bà Tuệ quen biết họ từ lúc mắt còn sáng.

Rồi lần đường gánh hàng ra góc chợ Hàm Tử Quan, bà Tuệ bán cho đến khi mặt trời lên đến đỉnh đầu. Hôm nào may mắn đắt khách thì lại được 50 nghìn, còn ế bà lại bê hàng đi dong đến quá trưa, bỏ cả cơm mà vẫn lỗ.

Bà Tuệ sinh ra trong gia đình có 5 người con. Lúc nhỏ bà cũng được đi học, thậm chí là học nhiều nhất trong các anh chị em. Bà học hết cấp 3. Nhưng ở quê bà, khi đất nông nghiệp đã trở thành đất công nghiệp gần hết thì ít nhà bán được ruộng đồng. Gia đình bà cũng thế, từ đời bà ngoại, bố bà, rồi đến bà. Tạm gác lại giấc mơ thành cô giáo, bà cũng bỏ làng lên phố mưu sinh.

Bà Tuệ từng khóc bà ngoại và bố cạn nước mắt khi họ chết vì bệnh tật sau những năm tháng vắt kiệt sức ở các khu lao động ở thành phố này. Bà cũng khóc cho đời mình. Chỉ sau một hai năm bôn ba nơi phố thị, trăm thứ bệnh bập vào người nên mắt bà cứ mờ dần rồi tắt hẳn. Lúc ấy bà cứ khóc, nhưng “khóc chán lại đói nên đành phải mò lên chạy chợ không thì chết mất”.

Một mình bám trụ ở mảnh đất Hà Thành, bà tự tập cách sinh tồn. Nhiều làn bà bị xe đâm, bị đánh đến thâm tím cả người, có lần sảy chân ngã xuống sông Hồng suýt chết. Nhưng bà vẫn cố gắng gượng để sống, bởi lẽ “tiền mua quan tài chưa đủ, tiền làm đám ma chưa có, bà sợ làm phiền đến anh em”.

Gần chục năm bán cá, tháng nào nhiều thì dư được 6, 7 trăm ngàn. Bà cất cả vào cái ruột tượng nhét ở cạp quần. Thi thoảng lại lôi ra nhờ mấy người cùng xóm chợ xem hộ đã đủ mua cái quan tài chưa? Ai cũng bảo chưa đủ. Mà đủ làm sao được khi một đồng mua thức ăn còn phải tính, nắm xôi còn phải chia làm 2 bữa.

Bi kịch không tiền ngay cả khi qua đời ảnh 1

Có lần sảy chân ngã xuống sông Hồng xuýt chết. Nhưng bà vẫn cố gắng gượng để sống, bởi lẽ “tiền mua quan tài chưa đủ, tiền làm đám ma chưa có, bà sợ làm phiền đến anh em”.

Ở chợ nhiều người biết hoàn cảnh của bà nên cũng động viên và giúp đỡ nhiều. Có người thì cho quả chuối, nắm gạo, người thì cho 2, 3 nghìn tiền thừa lúc mua hàng, người thì giúp bà xếp lại tiền cho dễ phân biệt. Xã hội có nhiều người tốt nhưng kẻ xấu cũng nhan nhản khắp nơi. Biết bà mù có người lân la hỏi thăm xem bà đi về giờ nào, ở trọ ở đâu rồi chặn đường cướp tiền.

Bà nhớ lại có lần khách đến mua rồi kêu mùi cá tanh buồn nôn, bắt bà trả tiền thừa nhanh rồi đi. Bà vội vàng đưa túi tiền cho khách mà không hề biết người ta chỉ đưa 20 nghìn mà nói là 200 nghìn. Mất gần 1 tuần tiền lãi, bà chỉ thấy tủi thân. “Mình mù lòa, tật nguyền, lại ở quê lên, người ta lừa cũng phải chịu chứ làm gì được?”.

“Quê giờ toàn khu công nghiệp”

Vãn chợ tôi theo người đàn bà mù về ngõ 277 Phúc Tân. Con ngõ ngoằn ngoèo và chật chội, đôi quanh gánh của bà cứ vướng hết chỗ nọ rồi mắc chỗ kia.

Phòng trọ của bà Tuệ nằm gần cuối ngõ, ẩm thấp và tối như hũ nút. Phòng không cố định số người thuê mà cứ nằm đến khi nào kín thì thôi. Người thuê trọ ở đây vẫn gọi đấy là “thuê chiếu”. Đúng là chiếu thật, vì họ chỉ thuê chỗ nằm chứ khó có thể gọi là nơi ở được. Đồ dùng sinh hoạt mỗi người gói gọn trong một cái làn. Thêm vài ba bộ quần áo cũ kỹ. Trời mùa nóng, muỗi vo ve như ong, nhưng đến cái màn cũng không, quạt điện là thứ xa xỉ.

Bi kịch không tiền ngay cả khi qua đời ảnh 2

Dù hoàn cảnh khốn khó nhưng bà Tuệ vẫn luôn tươi cười.

Chung chiếu với bà Tuệ còn có hai người đàn bà nữa quê ở Thái Bình, một người tên Hà, một người tên Xuyên.

Bà Hà đi làm ô sin từ sáng đến tối mịt mới về. Bà không dám nhận ở lại làm cho nhà nào cố định vì bà còn thằng con 10 tuổi “ngớ ngẩn” như lời bà nói. Nếu bà ở lại nhà người ta, tiền ăn không mất, tiền ở không mất nhưng con bà ai trông? Bao nhiêu tiền kiếm được bà dành dụm cả để mua thuốc cho con. Bà không biết nó bị bệnh gì vì chưa bao giờ đưa nó đi khám cả. Nhìn qua thằng bé giống bị bệnh đao nhưng vì không có tiền đem đi viện nên bà toàn ra hiệu thuốc Tây mua thuốc đau đầu cho nó uống.

Bà Xuyên năm nay đã ngoài 60. Chồng chết sớm. Con cái cũng đủ trai đủ gái, cũng có gia đình riêng nhưng đứa nào đứa nấy đều hoàn cảnh, lại phải chăm lo con cái nên không có sức mà chăm mẹ già. Ruộng vườn phần lớn đã thành các khu công nghiệp, một phần cũng già yếu không đủ sức làm. Bà theo người ta lên Hà Nội kiếm việc. Lúc đầu còn sức, bà làm phụ hồ, bốc vác, gánh thuê ở chợ Long Biên. Đến lúc sức tàn lực kiệt quay sang đi buôn rau. Tiếng là buôn rau vậy thôi nhưng hàng hóa của bà gói gọn trong chiếc mủng. Hành, tỏi, chanh, ướt… kiếm vừa đủ tiền ăn và tiền thuê trọ.

Ban ngày xóm vắng hoe vắng hoắt. Tối đến các lao động mới tập chung về. Họ chỉ ngả lưng vài tiếng trên những mảnh chiếu thuê để rồi lại bắt đầu ngày mới với những công việc nhọc nhằn, cuộc sống khốn khó, đau ốm, bệnh tật, bị xã hội loc lừa và xua đuổi… Phía sau lưng họ, quê hương đã không còn ruộng vườn. Những số phận lao động di cư “dập khuôn” trong sự tù túng của những xóm trọ thành phố. Họ có thể có được cái quan tài lúc chết, nhưng có lẽ hỏi đến mảnh đất chôn, lại thành câu khó trả lời.

Thu Hà

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.