Đám cưới ở nhà tang lễ
Ông Nguyễn Kim Chi và bà bà Bế Thị Kim Oanh hiện đang sống ở Lương Ngọc Quyến thành phố Thái Nguyên. Ông Chi vốn quê gốc tại Hưng Yên, ngay từ nhỏ bố mẹ đã mất sớm, ông đươc người cô ruột của mình nuôi dưỡng ở Thái Nguyên. Trong một lần lên công tác tại Cao Bằng ông Chi có dịp quen biết với bà Oanh, khi ấy còn là một cô gái người dân tộc Tày xinh đẹp nhất vùng. Mặc dù quen và yêu nhau từ năm 1953, cả hai đã hẹn thề sống chết với nhau nhưng do hoàn cảnh khó khăn mà ông Chi không có khả năng tổ chức một đám cưới hoàn hảo cho bà Oanh.
Nhìn bà Chi một cách âu yếm, ông rồi Chi nói: “Chúng tôi rất hợp nhau, nhưng do hoàn cảnh khó khăn của cả hai lúc bấy giờ mà chúng tôi không thể có tiền tổ chức đám cưới. Năm đó các đồng chí bên Báo Quân đội Nhân dân đã bàn bạc bí với tôi để bí mật tổ chức đám cưới cho tôi với bà ấy tại Nhà tang lễ Hà Nội, số 125 Phùng Hưng.
Ông Chi và bà Oanh luôn sống hạnh phúc bên nhau |
Nhớ lại khi ngỏ lời để làm đám cưới với bà Oanh, ông Chi kể: “Để bà ấy cảm động, thay vì gửi lời cầu hôn đến người vợ tương lai, tôi gửi bà một tấm thiệp mời bà đến làm cô dâu với lời nhắn:“Thân gửi cô Oanh, thân mời cô đến làm cô dâu của tôi vào 19h ngày 24.7.1957 tại địa chỉ 125 Phùng Hưng. Rất mong hôm đó cô ăn mặc thật đẹp và đến đúng giờ”.
Nhận được thiệp mời làm cô dâu, bà Oanh vô cùng xúc động và hạnh phúc, bà đã khóc khi nhận được tấm thiệp ấy, thế là sau bao nhiêu năm chờ đợi, hai người có thể chính thức ở bên nhau. Bà Oanh tâm sự: “Khi ông ấy đưa cho tôi tấm thiệp mời làm cô dâu tôi đã bật khóc vì hạnh phúc. Ngày ấy, tôi còn trẻ quá mới 20 tuổi, lại là cô gái dân tộc mới xuống thủ đô học tập và làm việc nên lúc ông ấy bảo tôi chỉ cần chuẩn bị làm cô dâu đẹp nhất mọi việc cứ để ông ấy lo tất. Vì vậy tôi không hề biết rằng đám cưới của mình sẽ diễn ra tại nhà tang lễ”.
Thiệp mời dự lễ cưới tại nhà tang lễ Phùng Hưng của ông bà Chi năm xưa |
Trong trí nhớ của đôi vợ chồng già thì đám cưới đặc biệt của gần 60 năm trước không trang hoàng lộng lẫy, không tiếng nhạc sập sềnh. Nhà tang lễ vắng lặng tiếng người. Cả đám cưới chỉ có một ít bánh kẹo , nước uống để mời khách đến tham dự . Đám cưới tổ chức tại nơi đưa tiễn người về nơi vĩnh hằng cho nên không hề tưng bừng, đông đủ như những đám cưới khác. Mặc dù không hề ngờ tới việc đám cưới của mình sẽ tổ chức trong nhà tang lễ nhưng bà Oanh vẫn không hề cảm thấy thất vọng. Khi ấy, trong đôi mắt bà chỉ rưng rưng xúc động, bà biết rằng tất cả những thứ phù phiếm bên ngoài không thể nào có thể so sánh được với tình yêu bao nhiêu năm của cả hai người. Bà chấp nhận những thiếu thốn, thiệt thòi về vật chất và chỉ nghĩ đến những viễn cảnh tốt đẹp của tương lai mà thôi.
Ông Chi giải thích thêm: “Đúng là khi tổ chức đám cưới ở nhà tang lễ không phải là không có sự lo lắng. Ngày cưới mà bà ấy tự đi xe đạp đến nơi tổ chức. Tôi đã ở sẵn đó đợi nhưng gần sát giờ tổ chức cũng chưa thấy cô dâu đâu. Lúc đó trong lòng tôi khá lo lắng bất an vì sợ rằng cô dâu sẽ không đến. May mắn thay bà ấy đã xuất hiện vừa kịp giờ tổ chức. Khi thấy cô dâu đến tôi vừa mừng vừa lo chạy đến ôm chấm lấy cô dâu để mặc cho mọi người xì xào chỉ trỏ”.
Dù thời gian trôi qua nhưng hạnh phúc của họ vẫn vẹn nguyên |
Đến bây giờ ông Chi cũng vẫn chưa bao giờ quên được bức thư đầu tiên viết cho người mình yếu: “Oanh thân mến ! Đây là bức thư đầu tiên tôi viết cho Oanh. Nó không phải môt sự ngẫu nhiên mà là kết quả của một quá trình quen biết nhau. Tính đến nay tôi đã quen biết với Oanh được 8 tháng. Kể từ đó đến nay hình dáng của Oanh luôn ở trong tâm trí tôi. Chúng ta còn trẻ lắm, chúng ta hãy cứ yêu nhau và đến thời điểm thích hợp chúng ta sẽ làm đám cưới...”.
Hạnh phúc vẹn nguyên
Sau một thời gian học và làm việc ở Hà Nội, họ đưa nhau về Thái Nguyên sinh sống. Vây là ông Chi và bà Oanh đã sống với nhau được 60 năm rồi đấy, và dường như từ ấy đến nay họ vẫn luôn yêu thương nhau và chưa bao giờ cãi vã nha. Để có cuộc sống gia đình hạnh phúc suốt bao nhiêu năm, ông Chi chia sẻ: “Có lẽ “bí quyết” hạnh phúc của chúng tôi chính là tình yêu . Có tình yêu chúng tôi có thể vượt qua được tất cả những khó khăn của hiện tại.
Ngồi bên chồng, bà Chi cười tủm tỉm bảo: “Ông ấy biết tranh thủ thời cơ để làm lành lắm, những lúc tôi giận quá thì ông ấy thường im lặng. Nhưng mà sống với nhau bao nhiêu năm ông ấy biết tính tôi, khi có khách đến chơi thì không mặt nặng mày nhẹ với chồng được. Lợi dụng điều đó nên cứ khi giận nhau là ông Chi lại mời bạn về nhà chơi để tranh thủ làm lành với vợ thôi”. Nói xong, khuôn mặt bà Oanh còn nguyên vẹn niềm vui và hạnh phúc khi nghĩ về cuộc sống vợ chồng trong suốt bao nhiêu năm qua.
Bà Oanh nhớ về hạnh phúc của vợ chồng mình suốt 60 năm qua |
Trong cuộc sống gia đình cũng có những va chạm nhỏ nhưng cả hai ông bà chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ buông tay nhau. Ông chi bảo: “Tôi thiết nghĩ con người ta sống với nhau cốt ở cái tình, cái nghĩa chứ không cứ phải chọn ngày nọ, điểm kia sang trọng để tổ chức đám cưới mới là hạnh phúc. Nếu cứ mê tín, dị đoan thì hạnh phúc của chúng tôi đã không được bền chặt đến tận bây giờ. Hạnh phúc hoàn toàn phụ thuộc vào sự vun đắp của cả hai người. Suốt bao nhiêu năm qua chúng tôi vẫn sống với nhau cơm lành, canh ngọt con cái thành đạt là mãn nguyện lắm rồi.
Ông bà Oanh cũng là một trong số 10 cặp đôi đã được UBND phường Lương Ngọc tổ chức đám cưới vàng vào năm 2007. Nhưng họ vẫn luôn mong muốn một ngày nào đó sẽ được cùng nhau quay lại nhà tang lễ một lần nữa để được “sống” lại những giây phút hạnh phúc của cuộc đời.