Thực tế cho thấy, các em bé Nhật có khả năng độc lập, quyết đoán rất cao. Hơn thế nữa, các em bé Nhật còn rất ngoan ngoãn, lễ phép, có khuôn khổ, gắn bó với gia đình. Một em bé 2 tuổi người Nhật có thể tự làm được hơn rất nhiều việc so với các em bé cùng tuổi ở Việt Nam. Vì thế, cách nuôi dạy con của người Nhật đáng để cho chúng ta học tập theo!
Một số đặc điểm riêng biệt của trẻ em Nhật
Tính tự giác cực cao: từ 2 -3 tuổi, trẻ em Nhật đã có thể tự làm vệ sinh cá nhân, ngồi nghiêm chỉnh vào bàn ăn, tự xúc ăn…các em ý thức được rằng đâu là công việc mình phải làm chứ không cần nhờ người khác hay phải đợi cha mẹ nhắc nhở. Ngay đặc điểm này các mẹ có thấy khác với các em bé Việt Nam không ah? Con bạn 2 tuổi đã có thể làm được như vậy chưa?
Các em bé Nhật rất tự tin, hòa nhập: Ngay từ khi 1 tuổi, các em bé Nhật đã được cha mẹ cho tham gia các hoạt động tập thể. Đối với người Nhật, điều đầu tiên cần dạy con cái đó chính là khả năng tự tin, mạnh dạn, bản lĩnh. Trẻ tham gia thi đấu, biểu diễn và tỏ ra rất bản lĩnh khi đứng trước đám đông. Thậm trí, các em bé gái 3-4 tuổi còn tham gia vào đội bóng đá nữ…Chính điều đó giúp trẻ em trở nên năng động và hoạt bát hơn. Vào 3h30 chiều cả trường mầm non sẽ ra sân chơi cùng nhau, các trò chơi tập thể luôn được ưu tiên nhằm giúp trẻ em có tính hòa nhập và tinh thần làm việc nhóm. Có 2 thứ mà bất cứ trường mầm non nào cũng dạy trẻ đó là nói : “cảm ơn” và mỉm cười. Trẻ thường tự chia đồ chơi cho nhau và có tính cộng đồng rất lớn. Các em nhỏ khi chơi với nhau còn thân thiết hơn cả chị em ruột, chính điều đó khiến cho các em hòa nhập nhanh, và có cách cư xử rất lịch sự với người khác.
Khuyến khích trẻ bộc lộ năng lực bản thân: trẻ được tự do lựa chọn các môn học mình thích và làm theo. Trẻ em thường được cha mẹ hỏi về buổi học ở trường, và tự do bày tỏ suy nghĩ của riêng mình. Trẻ em ở đất nước này luôn có những giờ học ngoại khóa rất bổ ích như tham gia làm bánh, tới những ngày hội thể thao, biểu diễn ở những sự kiện cộng đồng, tham gia những lễ hội được tổ chức qua đêm, tới các buổi giao lưu, những đền chùa, các buổi triển lãm…Thậm trí, trẻ được cha mẹ cho tham gia buổi cắm trại qua đêm ở trường do nhà trường tổ chức. Khiến các em được rèn luyện sự tự tin, lòng dũng cảm ngay từ lúc còn nhỏ. Trong những giờ học ngoại khóa như vậy, trẻ tỏ ra rất hứng thú và điều đó đã để lại trong các em những ấn tượng vô cùng sâu sắc.
Các em bé Nhật rất ngoan ngoãn, lễ phép: Ở Nhật trẻ được dạy lễ nghĩa khá nhiều, thay vì học kiến thức Toán hay môn ngoại ngữ.
Bí quyết phát triển 5 giác quan cho bé theo cách của người Nhật
Phát triển thị giác
Để kích thích thị giác của bé sơ sinh, các mẹ nên treo các bức tranh phong cảnh nhiều màu sắc cạnh nơi bé nằm.
Từ khi bé được 1 tháng tuổi, mỗi ngày cha mẹ nên cho bé nhìn hình kẻ caro ô đen trắng để tăng khả năng tập trung của bé. Màu sắc các em bé sơ sinh thích không phải xanh hay đỏ, mà chính là hai màu cơ bản trắng và đen. Nhưng các mẹ nên nhớ, chỉ cho con nhìn trong khoảng 3 phút thôi nhé. Làm như vậy liên tục trong 1 tuần, khả năng tập trung của bé từ chưa đầy 5 giây sẽ tăng lên 60-90 giây đấy.
Khả năng tập trung cao sẽ rất có lợi cho việc học tập sau này của trẻ. Vì vậy các mẹ đừng bỏ qua cơ hội này nhé! Khi nào bé không còn hứng thú với việc nhìn ô kẻ caro thì các mẹ nên dừng việc cho bé nhìn ô trong một thời gian.
Khi bé hơn 2 tháng tuổi, mẹ hãy dán bảng chữ cái gần giường bé ngủ. Dán sẵn một bảng chữ cái với những chữ cái được in màu đỏ, to, rõ ràng. Em bé được làm quen với chữ cái từ lúc lọt lòng khi lớn lên, nhìn thấy chữ sẽ rất thích thú.
Mẹ nên bế em bé tới gần bảng chữ cái mỗi ngày 1 một lần, mỗi lần 2-3 giây thôi, lặp đi lặp lại như vậy, cũng khiến bé vui sướng vùng vẫy chân tay mỗi khi được bé tới gần bảng chữ cái có màu sắc nổi bật đó.
Phát triển thính giác
Các mẹ vẫn được nghe lời khuyên nên cho bé nghe nhạc từ trong bụng. Tuy nhiên, những tháng đầu tiên của cuộc đời, âm nhạc cũng có tác dụng vô cùng to lớn. Hàng ngày nên cho bé nghe những bản nhạc có chọn lọc, mỗi lần chỉ nghe từ 15-30 phút thôi. Nên để bé nghe những bản nhạc nhẹ nhàng với âm lượng không quá lớn.
Khi cho con nghe nhạc, hãy để bé đứng trên đầu gối mẹ, cho em bé đu đưa từ trước ra sau theo nhịp của nhạc nhé.
Các mẹ nên lưu ý không nên cho trẻ nghe băng hay đĩa CD trong một thời gian dài vì điều này sẽ khiến bé quen và thích với tiếng băng đĩa hơn và không có cảm xúc với tiếng nói của mẹ. Điều quan trọng là các mẹ phải chăm nói chuyện với em bé từ khi lọt lòng. Khi cho em bé bú, khi thay tã lót, khi tắm cho con... hãy nhẹ nhàng nói chuyện với bé.
Khi chào đời, trẻ sơ sinh đã có thể cảm nhận được về độ cao thấp của âm nhạc, các giai điệu quen thuộc, các bài hát và tiếng nói của cha mẹ với tiếng nói của người khác. Khả năng này không cần phải học qua kinh nghiệm như trước đây chúng ta vẫn nghĩ. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy trẻ có thể cảm nhận một bài hát của cha, mẹ hát tốt hơn so với những ca khúc trên đĩa CD.
Hãy đọc thơ, hát cho em bé nghe bằng giọng thực của người mẹ. Tuyệt đối không được cho bé xem tivi khi bé chưa tròn 3 tuổi.
Phát triển xúc giác
Từ lúc lọt lòng, em bé đã bắt đầu học rất nhiều điều và ghi nhớ rất kĩ vào bộ nhớ của mình. Những gì bé nhìn thấy, nghe thấy... hình thành nên nếp tư duy rõ nét trong não bộ.
Bú sữa mẹ, đây là bài học đầu tiên bằng xúc giác của em bé. Khi quan sát kĩ một em bé bú mẹ, ta sẽ thấy thao tác tìm ti mẹ, ngậm miệng vào ti, mút sữa tiến bộ rất nhanh. Lúc đầu còn bị đập mũi hay cằm, khó khăn lắm mới tìm được đúng đầu ti mẹ để đặt đúng vào miệng, nhiều người mẹ lấy tay giúp con, song dần dần tự em bé có thể điều chỉnh được rất nhanh.
Mẹ nên cố tình để đầu ti chạm vào những vị trí khác môi, miệng bé như hàm trên, hàm dưới, cằm, má phải, má trái. Làm vậy để em bé nhanh chóng học được cách điều chỉnh không gian, cảm nhận được vị trí trên - dưới, phải -trái.
Không chỉ bằng đầu ti mẹ như trên, còn có thể dùng ngón tay, chiếc khăn xô, hay cái ống hút cọ nhè nhẹ hàm trên, hàm dưới của bé. Bé sẽ biết được cảm giác khi được liếm, cắn vào những vật này, và sẽ không cắn mút những thứ này như khi mút ti mẹ.
Bé sẽ biết được sự khác nhau giữa sự đụng chạm tiếp xúc của cha mẹ, và sẽ có khuynh hướng phản xạ một cách thích thú với trò chơi khi bạn chạm vào ngón chân hoặc ngón tay của bé.
Phát triển vị giác
Dùng khăn xô thấm 1 ít nước nguội, nước lạnh, nước có vị ngọt, vị mặn, chua... từng vị một cho bé nếm. Đây là cách kích hoạt vị giác rất tốt.
Trong 6 tháng đầu, em bé của bạn sẽ cần chất dinh dưỡng từ sữa mẹ hoặc sữa thường rồi mới đến đồ ăn cứng. Do trẻ thích vị ngọt, nên sẽ dễ hơn nếu cho trẻ bắt đầu với rau củ ngọt như cà rốt hay khoai tây. Khi em bé lớn hơn, bạn hãy cho tiếp xúc với những hương vị khác nhau để bé có thể phát triển sở thích ăn uống đa dạng.
Phát triển khứu giác
Mọi người đều công nhận rằng những em bé mới sinh đều có thể ngửi được bởi chúng đã cảm nhận được thức ăn. Hãy cho bé ngửi hương thơm của hoa, bé sẽ ngoái đầu về phía có hương thơm đó. Nếu cho em bé ngửi nhiều mùi khác nhau, khứu giác sẽ được kích thích phát triển tốt.
Nha Trang