Bên hành lang Quốc hội chiều 8/6, Bí thư thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trao đổi với báo chí về đề án hạn chế phương tiện cá nhân.
- Tháng 7 tới, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét thông qua đề án quản lý phương tiện giao thông, trong đó có vấn đề hạn chế xe máy cá nhân, tiến tới cấm xe máy trong nội thành, ý kiến của ông về đề án?
- Tôi chưa mường tượng được tốc độ tăng phương tiện giao thông thời gian thế nào, những năm qua phương tiện đường bộ đã tăng 16-18%. Nói đến phương tiện giao thông đường bộ, ôtô cũng có vấn đề chứ không chỉ hạn chế xe máy là xong.
Để hạn chế phương tiện cá nhân, hạ tầng vận tải công cộng thành phố phải cố gắng đáp ứng. Từ nay đến 2020 thành phố sẽ tăng thêm 62 tuyến xe buýt. Hà Nội đang bù giá cho xe buýt là 1.000 tỷ đồng, tới đây số bù giá còn lên tới 2.000 tỷ đồng nhưng vẫn phải làm. Với đầu tư hạ tầng lớn nhất là tàu điện ngầm, cả tuyến đó là 38 tỷ USD, để làm được thành phố cũng phải cân đối vốn.
Bên cạnh đó, người dân cũng phải đóng góp vào chính sách chung của thành phố để cho giao thông ngày càng tốt hơn. Tốc độ tăng dân số hiện nay vẫn cao, khoảng 200.000 người/năm.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải trao đổi với báo giới ngày 8/6. |
- Ngoài vấn đề đầu tư cho hạ tầng giao thông thì cũng phải tính các giải pháp như mở rộng diện tích, điều chuyển bớt dân cư giãn ra ngoài trung tâm thành phố, ông nghĩ sao?
- Cái đó Hà Nội cũng đang đầu tư rất lớn và cũng kêu gọi đầu tư xã hội chứ nguồn vốn ngân sách không có nhiều. Tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư cho TP Hà Nội một năm có 30.000 tỷ đồng. Nói đến việc xây dựng hạ tầng, chỉ tính riêng tuyến đường Hoàng Cầu - Voi Phục, một đoạn như vậy đã phải đầu tư 7.300 tỷ đồng, bên cạnh đó còn đôi tàu điện ngầm. Vậy thì phải tính tuyến vành đai, rồi các tuyến xuyên tâm. Có đầu tư thêm, mở cơ sở hạ tầng tốt thì người dân mới ra ngoài trung tâm thành phố sống được, chứ cứ hô người dân ra mà hạ tầng không tốt thì sẽ chẳng ai ra.
Hà Nội còn 5 khu đô thị vệ tinh nữa và cũng phải thay đổi để phát triển. Cũng có nhà đầu tư nhận làm đô thị vệ tinh, nhận luôn đường sắt đưa đến, nhưng như vậy mình cũng mất cả chục năm chứ không đơn giản, có phải muốn là được ngay đâu. Rồi kể cả nhà đầu tư khi làm đô thị vệ tinh (như Sóc Sơn, Xuân Mai, Sơn Tây, Phú Xuyên…) thì cũng phải có thời gian chứ không phải ngay lập tức. Cái đó phải có thói quen.
- Huy động đầu tư hạ tầng rất khó khăn như thế thì trong nhiệm kỳ này, kế hoạch sẽ thế nào thưa ông?
- Trong hội nghị đầu tư tôi đã nói TP Hà Nội chỉ lo được 20% còn lại 80% là huy động từ xã hội. Muốn huy động được phải tạo môi trường, cơ chế, điều kiện thì nhà đầu tư mới đầu tư.
- Qua mấy hội nghị với doanh nghiệp, Hà Nội đánh giá khả năng thu hút, tham gia của nhà đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thế nào?
- Cái đó thì cũng đo được nhưng tỷ lệ cũng chỉ 50/50. Vì các nhà đầu tư đưa ra ý tưởng vậy nhưng quy trình đầu tư, các thủ tục cũng rất lâu. Mình nói, một dự án phải 10 năm mà vừa rồi cho triển khai một số thì đều là các dự án từ 12 năm trước, từ thời còn Hà Tây. Khi đó còn cả trăm dự án vì nhiều dự án liên quan đến năng lực nhà đầu tư, rồi có dự án chỉ là xếp chỗ để đấy, mình phải từng bước thu hồi lại rồi kêu gọi nhà đầu tư khác.
Ngoài ra mọi việc cũng phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như, thị trường không tốt không kêu gọi nhà đầu tư, rồi vốn, nếu ngân hàng không cho vay thì cũng không làm gì được.
- Vừa rồi Hà Nội đề xuất một số cơ chế đặc thù cho các dự án giao thông, lý do gì thành phố muốn xin cơ chế đó, thưa ông?
- Thành phố bao giờ cũng muốn làm nhanh vì sức ép, đơn cử như những đoạn kết nối. Toàn thành phố có rất nhiều đoạn kết nối không phải ở những tuyến lớn, tuyến đại lộ hay quốc lộ lớn và đoạn kết nối từ các khu đô thị lớn mà nếu mình làm được thì cũng thay đổi rất nhiều. Ví dụ như đường đi dưới thấp của hồ Linh Đàm hiện nay, nhưng khi mình làm thì thủ tục lại vướng nhiều quá. Nếu như làm tắt lại không đúng luật, chính vì thế thành phố muốn có một cơ chế đặc thù để làm nhanh vì đây là những dự án gần như là cấp cứu, giải quyết những nhu cầu rất cấp bách, bức xúc.
Hà Nội sẽ cấm xe máy ở các quận, cấm ôtô theo ngày, giờ
Theo dự thảo nghị quyết của HĐND TP về tăng cường quản lý phương tiện nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030. Thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030;
Cấm ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh.
Dự thảo cũng đề xuất chủ sở hữu ôtô phải mở tài khoản điện tử và lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động...); thiết lập cơ chế tính giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng luỹ tiến theo giờ và tăng mạnh vào khu vực trung tâm...