Ngày 29/7, Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dẫn đầu đã có buổi làm việc, trao đổi kinh nghiệm với TP Hà Nội trong công tác cải cách hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử; kêu gọi xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; thực hiện tiết kiệm chi ngân sách.
Tập trung điểm nóng, khâu khó
Chia sẻ về những kết quả tích cực của Hà Nội thời gian qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội chọn việc quan trọng đầu tiên là sắp xếp lại bộ máy hành chính. Việc này được thực hiện trước tiên ở điểm nóng là Văn phòng UBND TP (trước đây là đơn vị bị nhiều phàn nàn về thủ tục hành chính). Chỉ sau một năm, Hà Nội cơ bản đã hoàn thành việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy gắn với đề án cơ cấu việc làm cụ thể đến từng đơn vị.
Để xây dựng hiệu quả Chính phủ điện tử, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ, từ cuối năm 2015, thành phố đã mạnh dạn bỏ toàn bộ hệ thống phần mềm, sever cũ để xây dựng hệ thống mới theo hướng làm lại toàn thuê dịch vụ các tập đoàn viễn thông, kết nối chung từ thành phố tới phường xã.
Ông Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội xây dựng chính quyền điện tử theo lộ trình khoa học, thí điểm từ phường xã đến quận rồi mới nhân rộng. Vì vậy, sau một năm, khung chính quyền điện tử của thành phố đã cơ bản hình thành là nền tảng cơ bản cho việc thúc đẩy CCHC tạo thuận lợi nhất cho người dân.
Quang cảnh buổi làm việc |
“Số thủ tục hành chính ở một quận tại Hà Nội rất lớn, nếu xây dựng trung tâm hành chính công tập trung sẽ không phù hợp, vì vậy Hà Nối sẽ lắp thiết bị đầu cuối đến tận nhà người dân để triển khai các thủ tục hành chính qua mạng, phục vụ người dân, doanh nghiệp tận nơi, không phải đi lại”, Chủ tịch UBND TP cho biết thêm.
Về thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội xác định tập trung thu hút nguồn lực, cải cách hành chính, nguồn lực, tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp từ thủ tục đến giải phóng mặt bằng. “Lãnh đạo TP đã trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe các doanh nghiệp kể cả ngoài giờ làm việc để tháo gỡ ngay các khó khăn vướng mắc. Bên cạnh đó, Hà Nội thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết các đề xuất của doanh nghiệp trong ngày; các dự án kêu gọi đầu tư được công khai... nhờ đó đã tạo niềm tin, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào thành phố”, ông Nguyễn Đức Chung phân tích.
Về tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, qua việc rà soát 10 lĩnh vực dịch vụ công ích, đến nay, Hà Nội đã giảm 130 quy trình công việc thừa, trùng lặp, hơn 800 định mức và gần 1.400 đơn giá. Thành phố đã cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, tiếp tục giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong điều hành ngân sách từ 55,5%, giảm còn 52,4% trong tổng chi ngân sách...
Mục tiêu là sự hài lòng của nhân dân
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao các sáng kiến, kinh nghiệm của TP Hà Nội. Đặc biệt với mô hình thưởng tiền cán bộ, công chức phục vụ nhân dân tốt với mức thưởng không khống chế tỷ lệ theo hiệu quả thực tế các mô hình ở quận Long Biên... Đại diện các sở ngành TP.HCM cũng trao đổi về những mô hình hiệu quả của Hà Nội. Trong đó, một trong những vấn đề quan trọng là căn cứ, chỉ số nào để đánh giá hiệu quả công tác CCHC.
Đánh giá cao những kinh nghiệm mà lãnh đạo TP Hà Nội và các sở ngành, quận huyện đã chia sẻ. Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh rà soát, xây dựng đề án xắp xếp bộ máy; Quy trình đánh giá hàng tháng với công chức viên chức, khen thưởng kịp thời.
Nêu vấn đề về bài học của Hà Nội khi mạnh dạn bỏ hệ thống phần mềm không đồng bộ để xây dựng hệ thống liên thông chung, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Sở TT&TT rà soát, trả lời lãnh đạo TP.HCM trong một tháng về cách làm của TP.HCM trong lĩnh vực này.
Từ các bài học quý giá của Hà Nội, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu các sở ngành nghiên cứu, sớm trình quy trình thực hiện các dự án đầu tư; kinh nghiệm của Hà Nội trong giải phóng mặt bằng; bài học từ việc thống nhất hệ thống điều hành tàu điện ngầm... “Tôi mong muốn Hà Nội tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình với TP.HCM trong thời gian tới”, Bí Thư Thành ủy TP.HCM nói.
Theo ANTĐ