Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Châu, người dân tộc thiểu số Chơ ro, SN 1971, ở xã Sông Thao, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai).
Bị truy tố vì dùng chạc ná tự vệ
Theo Bản Kết luận Điều tra và khởi tố vụ án hình sự, đề nghị truy tố số 141 do Thượng tá Trần Hùng Cường - Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an huyện Trảng Bom ký ngày 23/4, khoảng 17 giờ ngày 17/11/2019, ông Lưu Hồng Dũng (SN 1978, ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đi chăn bò ngang nhà ông Mai Tấn Lâm (SN 1975, ở xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) thì thấy ông Lâm đang ngồi chơi với ông Nguyễn Văn Châu nên ông Dũng vào nói chuyện và phát sinh mâu thuẫn, cãi nhau với ông Lâm, sau đó ông Dũng bỏ về và kể cho vợ là bà Lê Thị Ngọc Hà (SN 1985) nghe.
Trong lúc này, ông Châu trở về nhà, ông Lâm cũng sang nhà ông Châu chơi.
Sau đó, ông Dũng lấy một con dao dài khoảng 1 m, lưỡi sắc nhọn, màu trắng, bản rộng khoảng 5 cm, cùng bà Hà cũng mang theo một con dao (loại tự chế) cán bằng sắt, dài khoảng 60 cm, bản rộng khoảng 4 cm, sắc nhọn, màu trắng tìm đánh ông Lâm.
Thấy ông Lâm đang ở nhà ông Châu, ông Dũng và bà Hà đi vào nhà ông Châu thì bị ông Châu yêu cầu ra khỏi nhà nhưng ông Dũng và bà Hà không ra nên ông Châu lấy một chạc ná hình chữ Y tự làm bằng gỗ, có quấn thun ở hai đầu và bỏ đá bắn trúng đỉnh đầu ông Dũng gây rách da dài khoảng 2 cm.
Ông Dũng cùng vợ bỏ ra ngoài, gọi thêm con trai là Lưu Duy Hùng (SN 2001) đến để cùng lấy đá đá ném vào nhà ông Châu. Ông Châu cùng vợ là Phan Thị Liên (SN 1978) và ông Lâm lấy đá ném lại gia đình ông Dũng nhưng không gây thương tích hay hư hỏng tài sản gì. Sau đó ông Dũng đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để sơ cứu vết thương.
Tại Bản Kết luận Giám định Pháp y về thương tích số 0049/TgT/2020 ngày 16/1/2020 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định đối với ông Lưu Hồng Dũng là 1%, thương tích do vật tày gây ra.
Ông Châu và cháu Kiều tại Bệnh viện Trảng Bom. Ảnh: Xuân Thời |
Về phần dân sự, ông Lưu Hồng Dũng không yêu cầu bị can bồi thường do chi phí điều trị và tiền thuốc không đáng kể; quá trình điều tra, bị can Nguyễn Văn Châu đã khai nhận hành vi phạm tội như trên.
Từ đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trảng Bom kết luận hành vi sử dụng hung khí gây nguy hiểm là chạc ná để gây thương tích 1% cho ông Dũng của ông Châu đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” được quy định tại Khoản 1, Điều 134 Bộ Luật Hình sự; đi đến quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ sang VKSND huyện Trảng Bom đề nghị truy tố ông Châu về tội “Cố ý gây thương tích”.
Vợ chồng ông Dũng, bà Hà bị phạt 2,5 triệu đồng do mang theo dao từ nhà để đánh nhau; ông Châu, ông Lâm, bà Liên, ông Dũng, bà Hà và Hùng bị phạt 750 ngàn đồng vì ném đá.
“Truy tố lạ lùng”
Ngày 27/5, VKSND huyện Trảng Bom, có bản cáo trạng số 155/ CT/VKSN-TB của Viện trưởng VKSND huyện Trảng Bom có nội dung áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Nguyễn Văn Châu; đồng thời có quyết định truy tố trước TAND huyện Trảng Bom để xét xử đối với bị can Nguyễn Văn Châu về tội “Cố ý gây thương tích”.
Về cáo trạng của VKSND huyện Trảng Bom, luật sư Lâm Văn Giả - Trưởng Văn phòng Luật sư Sài Gòn tại TP.Long Khánh (Đồng Nai), nhận định: “Một truy tố lạ lùng nhất mà tôi thấy. Tại sao vào nhà người ta mang theo dao, mã tấu bị gây thương tích 1% mà đi khởi tố người tự vệ? Cho dù ông Dũng, bà Hà có tìm đánh người khác thì họ vào nhà ông Châu, ông Châu thuộc thế tự vệ thôi. Nếu tự vệ thì theo Điều 136 Bộ Luật Hình sự phải gây thương tích từ 31% mới khởi tố”.
Công ty Luật Nam Phương tại thị trấn Trảng Bom nhận hỗ trợ pháp lý miễn phí cho ông Châu. Giám đốc công ty là luật sư Phạm Quốc Vượng, cho biết: “Người đồng bào Chơ ro được ưu tiên bảo vệ mà sao công an và viện kiểm sát không xét tình tiết giảm nhẹ mà lại tăng nặng thêm ngay cả xử lý ngược lại? Thay vì xét theo các điều luật liên quan đến tự vệ, họ lại dùng Điều 134 là cố ý gây thương tích. Thương tích 1% nhẹ đến nỗi bản khởi tố của công an còn ghi: Ông Dũng tự đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chữa trị và tiền thuốc không đáng kể nên không đền bù.
Còn chạc ná bắn chim có phải vũ khí hay hung khí nguy hiểm cũng phải giám định chuyên môn. Thông thường chạc ná bày bán công khai vì không gây sát thương và nguy hiểm đến tính mạng, hay ảnh hưởng đến sức khỏe như các quy định của luật. Ngay sau khi nhận bào chữa miễn phí giúp ông Châu, vì ông là người đồng bào Chờ ro nên hiểu biết kém, lo sợ nhiều nên tôi làm đơn cho ông ấy kêu oan gởi các cấp có thẩm quyền”.
Người bị truy tố kêu oan
Trong đơn kêu oan, ông Châu cho rằng mình thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng, bởi phía nạn nhân là ông Hùng cùng vợ đi đông người, cầm dao xông vào nhà ông Châu, được ông Châu yêu cầu ra khỏi nhà nhưng dọa tấn công luôn cả ông Châu nên ông Châu mới dùng chạc ná bắn vào đầu ông Hùng. “Chính nạn nhân là người đã có hành vi xâm phạm đến lợi ích của tôi và ông Lâm trước, và chính hành vi mang dao vào tận nhà tôi đã thể hiện mức độ nguy hiểm của hành vi có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng” - ông Châu trình bày trong đơn kêu oan.
Cũng trong đơn kêu oan, ông Châu lập luận: “Hành vi của tôi là hành vi của người phòng vệ, chống trả ở mức cần thiết. Nhận thấy hành vi cầm dao đe dọa có thể nguy hiểm tới tính mạng của tôi và ông Lâm nên tôi mới chống trả bằng cách dùng ná thun, vì nếu không chống trả thì hai người họ chém tôi thì sao?”.
Cho rằng hành vi của mình nằm trong giới hạn phòng vệ chính đáng, nên ông Châu cho rằng mình không bị coi là tội phạm như cáo buộc của Công an và VNKSND huyện Trảng Bom. “Tệ lắm thì tôi chỉ vi phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” - ông Châu bày tỏ.
Ông Châu cho biết, từ khi có quyết định truy tố mình của VKSND huyện Trảng Bom, vợ chồng ông Dũng, bà Hà liên tục đến nhà ông Châu đánh đập làm ông Châu không dám ra khỏi nhà từ nhiều tháng qua. Việc này có sự chứng kiến hàng xóm của ông Châu, thậm chí có người bị đánh khi sang can ông Dũng, bà Hà đánh ông Châu. “Do đã bị truy tố nên ông Châu không dám đánh lại, vì ông Châu sợ bị bắt” - hàng xóm của ông Châu bức xúc.
Sự vụ càng diễn biến phức tạp hơn khi chiều tối 16/7, con của ông Châu là cháu Nguyễn Thị Thanh Kiều (11 tuổi) trong quá trình chơi chung với con của ông Dũng, bà Hà thì phát sinh xích mích. Theo lời cháu Kiều, sau khi nghe con kể lại sự việc, ông Dũng liền đến đạp chân khiến cháu Kiều té ngửa, bà Hà chạy đến nắm tóc cháu Kiều kéo lên và đánh vào đầu cháu Kiều. Gia đình đưa cháu Kiều đến Bệnh viện huyện Trảng Bom khi thấy cháu Kiều có triệu chứng đau đầu, sốt cao.
Trao đổi với phóng viên Ngày Nay, ông Nguyễn Văn Châu bức xúc: “Chúng tôi là người dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết nên họ xử ép đòi bắt chúng tôi rồi nay đánh đập cả con nhỏ của tôi. Khi chúng tôi báo công an xã thì họ nói khi nào người lớn đánh nhau rồi hãy báo vào bắt luôn”.
Thấy ông Châu hay bị vợ chồng ông Dũng, bà Hà đánh, hàng xóm sang can và cũng bị ông Dũng, bà Hà đánh bị thương. Ảnh: Hàng xóm ông Châu cung cấp. |
Chiều 17/7, sau khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên Ngày Nay về sự vụ bé Kiều bị đánh, bà Vũ Thị Minh Châu - Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom đã yêu cầu xác minh, Liên đoàn Lao động huyện đến thăm hỏi và hỗ trợ gia đình cháu Kiều 2 triệu đồng. Trong khi đó, phải đến sáng 18/7, Công an xã Sông Thao (huyện Trảng Bom) mới đến bệnh viện và nhà ông Châu xác minh sự vụ.
Bác sĩ Nguyễn Quan Tuấn - Phó giám đốc Bệnh viện Trảng Bom cho biết đã chụp phim đầu cho cháu Kiều và đang theo dõi, nhưng đến thứ 2 mới có kết quả cụ thể về thương tích.