Lúa mì là ngũ cốc chính của thế giới, cung cấp 20% protein và calo cho hơn 3,5 tỷ người trên thế giới. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời tiền công nghiệp. Các chuyên gia cho rằng ngay cả khi đạt được mục tiêu này, sự ấm lên toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tới các cánh đồng lúa mì và giá cả mặt hàng lương thực thiết yếu này trong những năm tới.
Nghiên cứu mới nói trên được công bố trên tạp chí One Earth. Khác với các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào tác động của khí hậu đối với mùa vụ, nghiên cứu này đưa ra một hệ thống mô hình “khí hậu – lúa mì – kinh tế” mới, cho phép các nhà khoa học nhận thấy rõ các tác động của cả các điều kiện khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan đối với thu hoạch lúa mì, giá cả và chuỗi cung - cầu mặt hàng này.
Các nhà khoa học từ 13 viện nghiên cứu trên thế giới tham gia nghiên cứu đã phát hiện rằng trong điều kiện mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C, việc bón phân bổ sung CO2 sẽ bù lại sức ép nhiệt độ tăng, theo đó sản lượng thu hoạch lúa mì toàn cầu tăng 1,7%.
Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch tăng sẽ không dẫn tới giảm giá cho người tiêu dùng. Theo nghiên cứu trên, sản lượng thu hoạch lúa mì có thể sẽ tăng ở các khu vực có địa hình cao và giảm ở các khu vực địa hình thấp, dẫn tới giá lúa mì thay đổi không đều, và làm gia tăng tình trạng bất công hiện nay. Mô hình trên dự báo thu hoạch lúa mì sẽ tăng ở các quốc gia và khu vực có địa hình cao như Mỹ, Nga và nhiều nơi ở châu Âu. Nhưng tại các nước như Ai Cập, Ấn Độ, Venezuela, thu hoạch có thể giảm hơn 15%.
Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Zhang Tianyi, thuộc Viện Vật lý khí tượng thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, cho biết: “Trong bối cảnh mùa vụ thay đổi như vậy, chênh lệch trong giao thương truyền thống trên thị trường lúa mì có thể nghiêm trọng hơn. Theo đó, những vùng phải nhập khẩu lúa mì ở nơi có địa hình thấp, như Nam Á và Bắc Phi, sẽ phải chịu tình trạng giá cả tăng nhanh hơn và thường xuyên hơn so với các nước xuất khẩu lúa mì”.
Những thay đổi này càng cho thấy rõ các nước dựa vào nhập khẩu lúa mì sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn cho mặt hàng lương thực sống còn này trong tương lai và giá lúa mì trên thị trường toàn cầu sẽ bấp bênh hơn, qua đó làm trầm trọng hơn tình trạng bất công. Nghiên cứu trên cũng cho biết điều này sẽ nới rộng khoảng cách thu nhập, tăng thu nhập cho người nông dân ở các nước xuất khẩu lúa mì nhưng giảm thu nhập của người dân ở các nước nhập khẩu.
Ông Zhang và nhóm nghiên cứu hy vọng các dự báo trên sẽ dẫn tới hành động toàn cầu. Ông nói: “Việc giúp cải thiện tự cung tự cấp lương thực tại các nước đang phát triển đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Việc này cần các nước thảo luận một chính sách phối hợp nông nghiệp quốc tế”.