Tháng 10/1970, 11 người đã thiệt mạng gần biên giới Đông Nam của Pháp với Italy và 15 năm sau đó, một vụ cháy rừng mới tại khu vực này đã làm 5 lính cứu hỏa thiệt mạng. Nhiều chuyên gia cho rằng số người tử vong giảm là nhờ chiến lược chữa cháy được áp dụng vào đầu những năm 1990 tại khu vực hình vòng cung từ biên giới Pháp với Tây Ban Nha đến biên giới với Italy. Đây là một vùng rộng lớn với những mùa Hè rất nóng và khô, và những sườn núi dốc, nơi nhu cầu nước vượt quá khả năng đáp ứng của nguồn cung.
Trong những năm 1989 – 1990, sau những trận cháy rừng lớn thiêu rụi 110.000 ha đất ở tỉnh Provence, Chính phủ Pháp đã thông qua chiến lược chống cháy rừng mới. Theo Viện Trồng trọt, lương thực và nghiên cứu môi trường quốc gia (INRAE), chiến lược mới dựa trên ý tưởng “dưới 10 phút”, tức là dập tắt một đám cháy càng sớm thì càng dễ. Chiến lược này đòi hỏi việc theo dõi sát các dãy núi trong các giai đoạn nguy cơ cao, sử dụng các chòi canh, với camera có độ chính xác cao và các máy bay không người lái.
Ông Paul Chanavas, nhân viên cứu hỏa 74 tuổi đã về hưu, cho biết: “Chúng tôi theo dõi tình hình và thông tin tới người dân. Nếu lửa bùng phát, chúng tôi có 600 lít nước sẵn sàng để xử lý, cho phép giải quyết vấn đề trong 8-9 phút”.
Ông Chanavas là một trong 1.000 nhân viên cứu hỏa làm việc ở dọc các cánh rừng trên núi trong suốt mùa Hè. Vào những ngày nguy cơ cao nhất, các máy bay dập lửa tuần tra để xác định các công viên có nguy cơ, trong khi các nhân viên cứu hỏa được bố trí ở các điểm nóng tiềm ẩn để có thể can thiệp nhanh nhất. Tại vùng Var, nơi có dãy Tanneron, 20% lực lượng cứu hỏa, 1.000 nhân viên, luôn sẵn sàng có mặt vào bất cứ thời điểm nào.
Kể từ khi áp dụng chiến lược mới, diện tích đất bị phá hủy do cháy rừng tại khu vực giáp Địa Trung Hải đã giảm từ 12.700 ha vào những năm 1990 xuống 8.780 ha vào giai đoạn 2013-2022. Dù chiến lược này hiệu quả và có cả một chương trình phòng cháy, thì phần lớn các đám cháy rừng là do con người và các đám cháy lớn đôi khi vẫn xảy ra ở khu vực Đông Nam. Tháng 8/2021, một đám cháy gần Saint Tropez đã làm 2 người thiệt mạng và khiến 10.000 người phải đi sơ tán. Người đứng đầu lực lượng cứu hỏa và cứu hộ vùng Var, ông Eric Grohin nhớ lại “gió mạnh đã khiến ngọn lửa vượt ngoài tầm kiểm soát” dù 1 trực thăng chữa cháy, 2 trực thăng nhẹ cùng 1 máy bay Dash đã có mặt tại hiện trường trong 7 phút cùng với 60 lính cứu hỏa. Ông Grohin cho biết những trận hạn hán nghiêm trọng trong năm 2022 và những vụ cháy rừng lớn ở nhiều nơi trên nước Pháp đã “khiến mọi người phải nghĩ lại”. Chính quyền đã cam kết mở rộng chiến lược chữa cháy ở khu vực ven Địa Trung Hải ra cả nước.
Vấn đề là liệu chiến lược này có còn tiếp tục hiệu quả trước tác động của biến đổi khí hậu hay không. Người đứng đầu cơ quan cứu hỏa và tình trạng khẩn cấp vùng Bouches-du-Rhone (gần Var), ông Jean-Luc Beccari cảnh báo: “Biến đổi khí hậu làm cho khu vực có nguy cơ cháy rừng rộng hơn, mùa có nguy cơ cao dài hơn và các điều kiện thời tiết có thể gây ra những vụ cháy rất lớn sẽ xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn”.
Một nguy cơ khác là khả năng chống chịu của chính các khu rừng. Chuyên gia về phòng cháy tại Cơ quan quản lý rừng quốc gia Pháp (ONF), ông Marion Toutchkov cho biết biến đổi khí hậu khiến cây cối chết dần. Cây chết đồng nghĩa với gỗ khô và dễ cháy hơn.