Lý do xây dựng dự án tái chế
Sau khi lấy chồng sinh con, chị Nguyễn Thị Tình đã quyết định trở thành một người nội trợ toàn thời gian. Chị luôn đặc biệt quan tâm đến những hoạt động sáng tạo cho trẻ nhỏ cũng như các hoạt động xã hội vì cộng đồng. Tới khi được mời làm người hướng dẫn tại workshop của công ty Thái Hà Book, chị đã tìm thấy niềm vui và sự hứng thú trong việc làm và giới thiệu các sản phẩm tái chế từ nhựa, cũng như truyền thông phòng chống rác thải nhựa.
Khi tìm kiếm các địa điểm để trưng bày sản phẩm tái chế, chị Tình may mắn được Sở Công Thương Hà Nội tạo điều kiện trưng bày trong gian hàng hội chợ và nhận được sự ủng hộ truyền thông từ blogger Floral Wings. Được tiếp thêm động lực, Nguyễn Thị Tình đã bắt tay vào phát triển dự án với tên gọi Irecycle, bước đầu truyền thông trên Facebook nhằm gây quỹ cũng như kêu gọi đóng góp những sản phẩm từ nhựa như gạch ecobrick (gạch sinh thái), vỏ bim bim, túi nilon, chai nhựa...
Irecycle tham dự Bridgefest2020. |
Hữu xạ tự nhiên hương, càng làm nhiều trong lĩnh vực nhựa tái chế, thì tiếng lành về dự án Irecycle của chị càng lan xa, và càng nhiều những lời mời tham gia các dự án tái chế gửi đến cho Nguyễn Thị Tình. Từ việc cùng bắt tay làm các sản phẩm tái chế xây dựng thương hiệu cho công ty, đến dự án tái chế set trang trí Trung thu tại trường THCS Phú Diễn, và làm trang phục biểu diễn tái chế cho Gala cuối năm của công ty bảo hiểm... Kinh phí thu được tuy không nhiều nhưng đủ để duy trì được hoạt động của mình.
Chị Nguyễn Thị Tình, người sáng lập Irecycle. |
Dự án Irecycle đã hút được sự quan tâm của nhiều người từ Bắc đến Nam. Nguyễn Thị Tình đã mở được những buổi triển lãm trưng bày phòng chống rác thải nhựa thành công ở nhiều nơi và có sự lan tỏa đến nhiều trường học, nhiều khu vực như Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Yên, ước tính tạo tác động đến khoảng 3.000 người. Chương trình Vì một tương lai Xanh (VTV1) cũng đã đưa tin về Irecycle với 4 chủ đề: Phóng sự ecobrick, phóng sự đổi rác lấy quà xanh, phóng sự lớp học tái chế cho người khuyết tât, phóng sự tái chế túi xách decor từ vỏ chai nhựa.
Nhận thấy nhóm người yếu thế (trẻ tự kỉ, người khuyết tật, trẻ mồ côi…) ít được tiếp cận tham gia hoạt động tái chế sáng tạo để có thêm ý tưởng cũng như nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, dự án của chị Nguyễn Thị Tình cũng đã đưa vào những hoạt động trải nghiệm cho nhóm cộng đồng này như những hoạt động tại Trung tâm Giáo dục sớm Ngày mới, Câu lạc bộ Người khuyết tật quận Hoàng Mai.
Sự lan tỏa và bứt phá lọt top Vietnam 100 Impact Startups
Irecycle được đánh giá cao và nhận được lời mời tham gia Bridge Fest - Lễ hội âm nhạc Thu hẹp khoảng cách 2020 tại phố đi bộ Hà Nội, thu hút hàng nghìn người tham gia. Sự thành công tại Bridge Fest 2020 đã tiếp thêm động lực cho Nguyễn Thị Tình để mở rộng dự án tiến tới hiện thực hóa Bảo tàng tái chế tại Bãi giữa sông Hồng kết hợp với việc trồng cây nhằm duy trì không gian xanh.
Khi quyết định phát triển dự án và kêu gọi đầu tư, chị đã gửi hồ sơ của mình đến Techfest. Sau một thời gian dài xét duyệt, dự án của chị lọt top Vietnam 100 Impact Startups và hứa hẹn thu hút được nhiều nhà đầu tư cũng như đầu ra của sản phẩm. Chị cho biết nếu đầu ra của sản phẩm tốt, các bạn của nhóm yếu thế sẽ có thêm sinh kế mới từ việc tham gia hoạt động tái chế tại bảo tàng.
Các bạn ơi, chúng tớ cần gấp một số các đồ sau để làm mô hình tái chế. Nếu các bạn có thì mang tặng chúng tớ nhé!
Chúng tớ chỉ nhận những đồ đã được làm sạch sau khi sử dụng nha các bạn, các sản phẩm KHÔNG ĐẠT YÊU CẦU chúng tớ sẽ KHÔNG NHẬN!
Thời gian nhận từ 22/11-25/11/2020. Từ 24:00 ngày 25/11/2020 chúng tớ ngừng nhận đồ.
- Cốc giấy (cốc loại thử đồ ăn ở siêu thị hoặc cốc của vina cháo, panda cháo…). Phải rửa sạch để khô sau khi dùng. Cốc xếp chồng lên nhau.
- Cốc nhựa đựng trà sữa/chè/cafe, ống hút trà sữa. Phải rửa sạch để khô sau khi dùng. Cốc xếp chồng lên nhau.
- Giấy báo, tờ rơi của siêu thị/tiếp thị sản phẩm.
- Nilon đã làm sạch, phơi khô, phân loại theo màu sắc.
- Vỏ bim bim rửa sach, cắt 2 đầu
Điểm nhận: CT4C, khu đô thị Xa La Hà Đông.
(trích một status trên Facebook Irecycle)