Những ồn ào quanh việc doanh nghiệp nợ thuế vài trăm ngàn đồng cũng bị cấm xuất cảnh vừa tạm lắng thì hai ngày qua, cộng đồng doanh nhân lại xôn xao trước thông tin Tổng Giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế.
Một văn bản Cục Thuế tỉnh Bình Định phát đi ngày 11/09/2024, với nội dung ông Nam bị hoãn xuất cảnh vì là người đại diện theo pháp luật của Bamboo Airways, doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do chậm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đã được lan truyền khắp nơi.
Văn bản không thể hiện số thuế Bamboo Airways đang nợ, nhưng việc hãng hàng không này trong ba năm gần đây gặp nhiều khó khăn, đang nỗ lực tái cấu trúc toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới mục tiêu hết lỗ trong năm 2024, hòa vốn từ năm 2025 là thực tế và được đông đảo mọi người biết tới từ lâu.
Hãng hàng không này cũng đã từng nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông, xin được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để có thể quay trở lại bầu trời với lộ trình phát triển bền vững, hiệu quả. Tháng 8/2023, Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho Bamboo Airways. Thủ tướng cũng đề nghị Bamboo Airways cần nỗ lực tái cơ cấu, vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn mạnh; chủ động báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ.
Đến tháng 8/2024, trong dịp kỷ niệm 6 năm cất cánh, CEO Lương Hoài Nam từng vui mừng chia sẻ rằng hãng đã qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trong quá trình tái cấu trúc đội máy bay, tập trung vào khai thác dòng thân hẹp với 8 tàu Airbus A321/A320. Dự kiến, cuối năm 2024, Bamboo Airways có thể tăng đội máy bay lên 12 chiếc (thêm 4 tàu so với hiện tại) và 18 chiếc vào năm 2025 nếu thị trường diễn biến thuận lợi.
Tuy nhiên, thông tin bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế được thông báo công khai trên truyền thông, lại như “gáo nước lạnh” dội vào những nỗ lực cháy bỏng của doanh nghiệp này, dù rằng việc thông báo công khai là không sai, việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cũng không trái pháp luật.
"Việc tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện pháp luật của Bamboo Airways là biện pháp hành chính tạm thời của cơ quan thuế tỉnh Bình Định. Tôi cùng ban lãnh đạo Bamboo Airways đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề này trong bối cảnh Bamboo Airways đang còn nhiều khó khăn về tài chính", CEO Lương Hoài Nam chia sẻ ngắn gọn như thế sau sự việc.
Còn nhiều doanh nhân khi bày tỏ ý kiến về câu chuyện tạm hoãn xuất cảnh của CEO Bamboo Airways cho rằng họ thấy ngậm ngùi vì một hãng hàng không từng nằm trong top 10 nộp thuế lớn nhất tỉnh Bình Định, giờ lại trong danh sách nợ thuế tới mức CEO bị Cục thuế tỉnh Bình Định thông báo tạm hoãn xuất cảnh.
Theo quy định của pháp luật, việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ thực hiện với những cá nhân ra nước ngoài không quay trở lại, hoặc rất lâu sau mới quay trở lại Việt Nam, nên nguy cơ không thu hồi được nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính thuế rất cao.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cũng từng khẳng định với báo chí không phải tất cả cá nhân nợ thuế đều bị tạm hoãn xuất cảnh, mà việc này chỉ áp dụng với một số ít đối tượng. Chỉ những cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, tổ chức mà doanh nghiệp, tổ chức thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thuế; người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài còn nợ thuế; người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế mới bị tạm hoãn xuất cảnh.
Còn với người dân ra nước ngoài du lịch, chữa bệnh, thăm thân, hội thảo, hội nghị... thì trường hợp còn nợ thuế vẫn được xuất cảnh bình thường.
Ngay cả với các trường hợp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh, nhưng nếu có bảo lãnh về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước thì vẫn có thể được xuất cảnh.
Xét theo những thông tin này, thì việc ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh với trường hợp như CEO Bamboo Airways hay các trường hợp nợ thuế chưa đến 1 triệu đồng như báo chí từng đưa, có vẻ là chưa phù hợp và cần thiết. Thông báo này được công khai rộng rãi khiến doanh nghiệp gặp bất lợi về hình ảnh thương hiệu, uy tín kinh doanh, đặc biệt là thêm khó khăn khi giao kết hợp tác, giao thương quốc tế.
Vẫn biết, để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp cứng rắn, hiệu quả để cảnh báo cho người nộp thuế nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác quản lý, nhất là ở các địa phương, ngành thuế cũng cần có sự linh hoạt các giải pháp để cùng lúc đạt được mục tiêu kép: chống thất thu ngân sách, hạn chế tối đa việc DN nợ thuế, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Điều này theo đúng tinh thần Nghị quyết 02/2024 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, trong đó coi cải cách là điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.