Thái Lan mất 6-7 năm, Việt Nam chỉ cần 6-7 tháng là khống chế được sử dụng chất cấm
Ông Chu Đình Khu, Trưởng phòng thức ăn chăn nuôi - Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho hay, từ quý I/2012, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã tạm thời lắng xuống, tới năm 2015 lại bùng phát trở lại với quy mô, tính chất phức tạp hơn.
Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT, tự tin khẳng định, nếu tiếp tục “đánh” chất cấm như hiện nay thì năm 2016 sẽ chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Ông Việt trao đổi trên báo VietNamNet cho biết, khoảng hơn 6 tháng lại đây, khi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có những chỉ đạo cụ thể, tiến hành nhiều đợt cao điểm hành động thì việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến căn bản.
Ví như về nguồn cung cấp chất Salbutamol, theo số liệu của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an, trong hai năm 2014 và 2015, đã có 9.268 kg Salbutamol được ngành y tế nhập khẩu, sử dụng hết 1.173 kg. Số lượng Salbutamol được bán ra ngoài ko đúng mục đích, không đúng đối tượng là 6.228 kg,cơ quan chức năng đã thu hồi được 2.050 kg, báo VietNamNet đưa tin.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), thời điểm tháng 1, trong 1.000 mẫu kiểm tra thì phát hiện 98 mẫu dương tính với Salbutamol, chiếm 9,8%.
Tuy nhiên, đến tháng 2, trong tổng số 1.457 mẫu kiểm tra thì chỉ có 17 mẫu dương tính, tương ứng 1,46%. Tiếp đó, trong tháng 3, chỉ còn 3/4.576 mẫu dương tính, chiếm 0,66%. Đầu tháng tư vừa qua, khi phát hiện ở Tiền Giang có tình trạng hộ chăn nuôi nhiều lần tái phạm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy sản phẩm.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định, Việt Nam chỉ mất 6-7 tháng đã khống chế được chất cấm sử dụng trong chăn nuôi
Nếu đem ra so sánh, Thái Lan phải mất 6-7 năm mới khống chế được việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thì Việt Nam chỉ mất 6-7 tháng là cơ bản khống chế được.
“Với những nỗ lực không ngừng, tôi tin rằng chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng chất cấm trong năm 2016 này là có thể làm được”, ông Việt nhấn mạnh.
Bị phạt nặng, người chăn nuôi còn dám sử dụng chất cấm?
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng phòng 5, Cục C49, Bộ Công an, về phương thức, thủ đoạn tuồn chất cấm vào các trang trại thường là các trình dược viên hoặc tiếp thị thức ăn chăn nuôi.
Khi tiếp thị, họ nói “cho chất này vào thức ăn thì không ảnh hưởng gì cả”. Ngoài ra, thương lái mua lợn thì nói “phải cho chất này thì nhiều nạc hơn, bán được nhiều hơn”!
Lực lượng thanh tra Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường kiểm tra để ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi. (Ảnh: Báo Tin tức)
VOV dẫn lời ông Thắng cho hay, Bộ luật Hình sự có hiệu lực rồi, nhưng phải có thống nhất trong lĩnh vực nông nghiệp áp dụng thế nào và nên có tập huấn với công tác thanh tra, kiểm tra.
Ngoài ra, C49 sẽ phối hợp với thanh tra Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế để có biện pháp ngăn chặn.
Từ 1/7/2016, Bộ Luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực thi hành, sẽ áp dụng mức xử phạt “mạnh tay” và mang tính răn đe đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.
Theo đó, chỉ cần có hành vi sử dụng chất cấm sẽ bị xử lý hình sự với hình phạt cao nhất tới 20 năm tù, mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như luật cũ quy định. Ngoài ra, mức phạt hành chính có thể lên đến trên 1 tỉ đồng.
Điều này khẳng định: Nếu tiếp tục đưa các chất cấm vào chăn nuôi, các hộ chăn nuôi sẽ không những “trắng tay” mà còn mắc vòng lao lý.
Tình Nguyên