Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm trên một tầm nhìn mới

(Ngày Nay) - Ngày 25/6, tại Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đây là sự kiện mới nhất trong chuỗi các hoạt động khẳng định sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các vùng kinh tế - xã hội và các vấn đề mang tính chất liên vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Bí thư thành uỷ thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải, Lãnh đạo các Ban, Bộ ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cùng với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, Hiệp hội và các nhà khoa học, chuyên gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm trên một tầm nhìn mới ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị

Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố: thành phố Hà Nội, thành phố Hải phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước.

Giai đoạn 2016-2018 và 5 tháng đầu năm 2019, Vùng có tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân 03 năm 2016-2018 đạt 9,08%, cao nhất trong số 4 vùng KTTĐ, quy mô kinh tế đứng thứ 2 của đất nước, chiếm gần 32% GDP của cả nước, chiếm 35,52% GRDP của 4 vùng KTTĐ, thu ngân sách chiếm trên 31%, xuất khẩu hàng năm chiếm 32% của cả nước.

Bên cạnh đó, Vùng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế xã hội và trong triển khai các nhiệm vụ và hoạt động liên kết Vùng theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được tổ chức nhằm mục tiêu thảo luận và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hoàn thành mục tiêu năm 2019-2020, hoàn thành kế hoạch 05 năm 2016-2020 do Chính phủ đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm trên một tầm nhìn mới ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu trước Hội nghị

Do đó, Hội nghị tập trung vào các nội dung chính đó là:

(1) Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Vùng KTTĐ Bắc Bộ giai đoạn 2016-2018 và 05 tháng 2019.

(2) Tình hình, kết quả thực hiện Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015, số 2059/QĐ-TTg ngày 02/11/2015, số 2360/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

(3) Xác định những vấn đề tồn tại, vướng mắc, các thách thức đặt ra của Vùng cần tháo gỡ để từ đó đề xuất tháo các giải pháp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để gỡ khó khăn vướng mắc thúc đẩy Vùng KTTĐ Bắc Bộ tăng trưởng và phát triển bền vững.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các Vùng KTTĐ báo cáo tóm tắt về tình hình phát triển kinh tế xã hội chung của Vùng KTTĐ Bắc Bộ và kết quả thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Vùng.

Theo Bộ trưởng cần xem xét, tập trung vào 5 giải pháp lớn sau:

Thứ nhất, cần xây dựng quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn, tích hợp đa ngành đối với sự phát triển của Vùng, quy hoạch lại vùng trên một tầm nhìn mới. Trong đó, phát triển từng tỉnh thống nhất với quy hoạch và chiến lược phát triển toàn vùng, gắn với vai trò “đầu tàu”, “hạt nhân” của Hà Nội và tam giác phát triển Hà Nội – Hải phòng – Quảng Ninh.

Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, triển khai xác định khung phát triển chiến lược cho toàn vùng, xác định những ưu tiên đầu tư để phát triển đồng bộ và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt ưu tiên phát triển hệ thống logistic.

Đồng thời, xây dựng các kịch bản phát triển, đề xuất định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có ưu thế của vùng, phát triển nguồn nhân lực, phối hợp giải quyết vấn đề môi trường, ưu tiên phát triển các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ, chất xám cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Để xây dựng được các giải pháp trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất mong nhận được sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của các Bộ, ngành, các địa phương trong vùng đối với việc xây dựng quy hoạch. Đồng thời cần có sự thống nhất về nhận thức vì sự phát triển chung của vùng có thể hi sinh các lợi ích cục bộ vì sự phát triển bền vững chung của cả vùng.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết phát triển kinh tế vùng, tập trung kiện toàn, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thành viên Hội đồng vùng, phân định rõ trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa Ban chỉ đạo, các Hội đồng vùng, các bộ, ngành và địa phương trong vùng. Đồng thời, các địa phương cần có sự cam kết chính trị mạnh mẽ về trong việc thực hiện các hoạt động liên kết.

Thứ ba, nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện, điện tử, điện thoại di động, lắp ráp ô tô, đóng tàu, dệt may; ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ cao cấp, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ có hàm lượng tri thức, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, chuyển giao công nghệ; phát triển thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh dẫn dắt đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính - ngân hàng đạt đẳng cấp quốc tế.

Thứ tư, khuyến khích đổi mới sang mô hình doanh nghiệp đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ, kết nối theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp quốc tế. Đón đầu, khai thác sử dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0; coi khoa học công nghệ là một trong yếu tố hàng đầu dẫn dắt quá trình tái cơ cấu kinh tế; tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong đa dạng các loại hình dịch vụ như y tế, thanh toán, giáo dục; cần ban hành cơ chế, chính sách quy định rõ liên kết vùng phải theo hướng ưu tiên phát triển kinh tế tri thức và tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh hợp tác giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu.

Thứ năm, nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương để quản lý tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường và kiểm soát các lưu vực sông hiệu quả. Trong đó, tập trung chỉ đạo giải quyết các hạn chế trong quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất và cho thuê đất; triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ; giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề và tại các lưu vực sông.

TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.