Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 13/6, đại biểu Đặng Hoài Tân, Bình Định đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường về thực trạng các tàu cá vỏ thép hư hỏng hàng loạt ở Bình Định vừa qua: "Bộ có giải pháp gì để xứ lý thực trạng này, đồng thời tạo điều kiện, hiện đại hóa thủy sản?"
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay cả nước hiện có 235 cơ sở có đủ điều kiện, trang thiết bị đóng loại tàu. Hiện cả nước đã đóng được 666 con tàu, gồm vỏ thép và vỏ gỗ, trong đó có 297 chiếc tàu thép.
Theo Bộ trưởng Cường, bà con ngư dân nhận định qua các chuyến ra khơi, loại tàu vỏ thép phát huy tác dụng về hiệu quả và độ an toàn. Có tàu thu về 3,5 tỷ đồng, lãi 1 tỷ đồng/năm, có ngư dân lãi 300 triệu đồng/chuyến.
Về trường hợp một số tàu vỏ thép bị hỏng ở Bình Định và Phú Yên, Bộ NN&PTNT đã ra văn bản, yêu cầu các tỉnh thành rà soát lại toàn bộ; cử Tổng cục thủy sản vào làm việc với Bình Định, mời ngư dân và đơn vị đóng tàu đến đối chất, để làm rõ trách nhiệm từng bên.
Bộ NN&PTNT cũng trực tiếp tổ chức hội nghị, đã mời lãnh đạo 27 tỉnh thành, mời ngư dân và chuyên gia.
Bộ đã cùng tỉnh thống nhất: Không cho hai doanh nghiệp đóng tàu Nguyên Dương và Nam Triệu đóng tàu mới để họ tập trung khắc phục hậu quả.
Với các tàu hỏng máy, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu thay ngay máy mới. Các tàu bị hỏng thép phải thay thép đúng chủng loại để ngư dân kịp thời đi biển.
Tỉnh Bình Định cũng thành lập đơn vị thẩm định độc lập, cơ quan tư pháp, mời chuyên gia thẩm định xem 19 tàu này hỏng thế nào, nguyên nhân từ đâu, để tới đây có số liệu cuối cùng. Tỉnh cũng mời cơ quan công an vào cuộc, bộ cũng đang phối hợp chặt chẽ, trong tháng này sẽ có báo cáo đánh giá chung về việc này.