Bộ trưởng, Trưởng ngành với tinh thần “nói đi đôi với làm và làm ngay”

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm cao, chiều 12/11, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo, giải trình, làm rõ thêm về những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Cùng tham gia trả lời chất vấn có: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Ba nhóm vấn đề

Phiên chất vấn kỳ họp này tập trung vào 3 nhóm vấn đề, thuộc trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời phiên chất vấn.

Thống đốc nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu xoay quanh bất cập trên thị trường vàng, giải pháp bình ổn kim loại quý, điều hành tỷ giá, lãi suất cũng như chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau bão Yagi...

Các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan với các nhóm vấn đề: Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường...

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội đặt nhiều câu hỏi đối với Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Nội dung chất vấn tập trung vào 3 vấn đề gồm: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong hai ngày diễn ra chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 136 lượt đại biểu chất vấn, 18 lượt đại biểu tranh luận, còn 80 đại biểu đăng ký phát biểu, nhưng chưa được phát biểu do hết thời gian. Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã thể hiện trách nhiệm cao, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ và thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời rõ nhiều vấn đề khó, phức tạp, thẳng thắn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đồng thời đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới.

“Đúng” và “trúng” những vấn đề được quan tâm

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và các đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.

Gần 1/3 ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là liên quan đến thị trường vàng, cho thấy đây là vấn đề rất "nóng" hiện nay. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận định, trước đây, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lên đến 15 triệu đồng, nay chỉ còn chênh lệch từ 3-5 triệu đồng. Đây là mức chênh lệch hợp lý. Điều đó chứng tỏ những can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường đã giải quyết được vấn đề cân bằng cung - cầu trong nước. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội mong muốn Nhà nước cần có những can thiệp cao hơn nữa, đó là đảm bảo cả mua và bán vàng.

Trong lĩnh vực ngân hàng, có đại biểu đặt câu hỏi về các chính sách hỗ trợ đối với các khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (YAGI), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến nay có 35 tổ chức tín dụng đã công bố các gói hỗ trợ với số vốn 405.000 tỷ đồng để tiếp tục cho doanh nghiệp, người dân vay mới. Tính đến ngày 31/10/2024, các ngân hàng đã thực hiện cho vay mới ưu đãi với số vốn lũy kế là 27.000 tỷ đồng; hạ lãi suất khoản vay hiện hữu với dư nợ khoảng 82.000 tỷ đồng...

Về lĩnh vực Y tế, các đại biểu quan tâm nhiều đến vấn đề thuốc, cơ sở y tế, bảo hiểm y tế, rồi vấn đề về y đức… Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã trả lời rất thẳng thắn, đồng thời nhìn nhận những nỗ lực, cố gắng của mình còn những khuyết điểm nhất định, và hứa sẽ nỗ lực hơn nữa thời gian tới, để phục vụ tốt hơn sức khỏe của nhân dân.

Qua theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế, cử tri Dư Minh Hùng (Cà Mau) bày tỏ tin tưởng với sự chủ động, quyết liệt trong tham mưu cũng như triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của ngành, xây dựng các dự luật trình Quốc hội, trình Chính phủ, Thủ tướng, ban hành các chiến lược, chương trình, kế hoạch thì các khó khăn vướng mắc trong thực tiễn hiện nay như: Tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, mua sắm đấu thầu thuốc, vắc xin, vật tư y tế, bảo hiểm y tế, chế độ chính sách cho nhân viên y tế… sẽ sớm được tháo gỡ một cách căn cơ, hiệu quả.

Đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho rằng, Bộ trưởng đã bám vào quy định hiện hành, đồng thời đưa giải pháp tất cả câu hỏi mà đại biểu Quốc hội nêu. Tuy nhiên, để xử lý được triệt để cần phải có cả hai phía, như với vấn đề ngăn chặn thông tin xấu, độc. Bộ chủ quản cần có thời gian để tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, người dân cũng cần tự trang bị cho mình những hiểu biết, kiến thức nhất định để phòng, chống tin xấu, độc, những thông tin tiêu cực.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí, coi không gian mạng là mặt trận chính của báo chí và thành hay bại là ở đây. Chiều 12/11, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Để báo chí phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng phải hoàn thiện pháp luật báo chí và pháp luật có liên quan; tăng cường đào tạo và tập huấn để theo kịp với công nghệ, yếu tố của thời đại...

Đánh giá cao về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng xã hội đối với người dân vùng nông thôn, nhất là đồng bào vùng cao, ông Giàng A Câu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết, lợi dụng sự cả tin và trình độ hiểu biết còn hạn chế của người nông dân trên địa bàn, nhiều quảng cáo trên mạng xã hội về thuốc đông y, thực phẩm chức năng, sữa bột... được phóng đại giống như "thần dược" dễ gây ngộ nhận về tác dụng thực sự của sản phẩm. Việc quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền tràn lan gây nhiễu cho người dùng ngày càng trở nên khá phổ biến. Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng hình thức quảng cáo trên để lôi kéo, dụ dỗ người dùng vay tiền trực tuyến với lãi suất cao, với thủ tục trực tuyến, đơn giản nhưng lãi suất thì "cắt cổ"... Nhiều người dân ở vùng cao tỉnh Yên Bái đã trở thành nạn nhân chỉ vì những quảng cáo bất chấp pháp luật và những nguyên tắc về đạo đức, trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo.

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Giàng A Câu, ngoài việc nâng cao trình độ và sự thông thái cho người tiêu dùng, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng định danh các tài khoản cá nhân, tổ chức kinh doanh quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội; tăng cường rà quét và xử lý vi phạm quảng cáo trên mạng, nhất là các nền tảng phát hành quảng cáo xuyên biên giới...

Cũng liên quan đến nội dung quảng cáo, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, hoạt động quảng cáo trên báo chí đang được điều chỉnh bởi Luật Quảng cáo năm 2012, tuy nhiên việc áp dụng vào thực tế đang gặp phải một số hạn chế cần phải được sửa đổi, thậm chí chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn cuộc sống hiện nay như đối với các quy định về quảng cáo trên không gian mạng. Người tiêu dùng tin tưởng các sản phẩm hàng hóa được quảng cáo bởi lòng tin đặt vào uy tín của các đơn vị báo chí hoặc tình cảm yêu thích, thần tượng với người đứng ra quảng cáo sản phẩm là những người có ảnh hưởng đối với công chúng...

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Đáng chú ý trong phiên chất vấn, trả lời các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc xóa nhà tạm, nhà dột là một chủ trương lớn, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo. Hiện nay, nước ta còn hơn 300.000 hộ có nhà dột nát, trong đó có cả những người có công với cách mạng, đối tượng của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các hộ nghèo, cận nghèo. Nhấn mạnh quyết tâm rất cao xóa hết nhà dột, nhà tạm trong năm 2025, Thủ tướng cho rằng cần thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và sử dụng nguồn lực. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thực hiện nguyên tắc “không có tranh chấp là có thể triển khai được”.

Giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương... là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Thủ tướng chiều 12/11. Thủ tướng cho rằng trọng tâm trong cải cách thể chế là phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, cần ưu tiên tăng trưởng, muốn tăng trưởng thì phải có nguồn lực. Nếu cứ tăng trưởng với tốc độ 6-7%/năm như hiện nay thì rất khó đạt được mục tiêu 100 năm đã đặt ra. Để thực hiện được ưu tiên tăng trưởng, phải tháo gỡ vướng mắc thể chế để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, xã hội, nguồn lực hợp tác công-tư, nguồn lực đầu tư nước ngoài…

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, có một điểm chung mà các thành viên Chính phủ nhắc nhiều lần trong phiên chất vấn lần này là: Trân trọng cảm ơn - nghiêm túc tiếp thu - nhận trách nhiệm cá nhân - sẽ quyết tâm thực hiện - và tha thiết mong các cơ quan, các địa phương vào cuộc mạnh mẽ cùng Chính phủ, bộ, ngành.

Các nội dung cụ thể đã được kết luận tại 3 phiên chất vấn đối với từng lĩnh vực. Trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên bế mạc của Kỳ họp này.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp, với những cam kết mạnh mẽ trong chỉ đạo, quản lý, điều hành. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành với tinh thần “nói đi đôi với làm và làm ngay”, phát huy những kết quả đạt được, khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, có giải pháp mới để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra./.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).