Giới thiệu về Chương trình Sức khỏe Việt Nam, TS Trương Đình Bắc, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, chương trình đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để tập trung thực hiện 28 chỉ tiêu của 11 lĩnh vực sức khỏe. Trong giai đoạn từ năm 2018-2030, Chương trình Sức khỏe Việt Nam tập trung vào 11 lĩnh vực chia làm 3 nhóm, cụ thể: Nâng cao sức khỏe bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực; Bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh, phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống tác hại của rượu, bia, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm...
Chương trình phát động, kêu gọi mỗi người dân cần thực hiện và duy trì những hành vi, lối sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe để tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Cụ thể: Thường xuyên rửa tay với xà phòng, tăng cường vận động, đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục, thể thao. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia. Có chế độ ăn uống hợp lý, giảm ăn muối, giảm đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây. Đi khám sức khỏe định kỳ, đối với người bình thường đo huyết áp ít nhất 6 tháng một lần để phát hiện sớm tăng huyết áp, đo đường máu ít nhất 1 năm một lần để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường.
Đối với nội dung tăng cường vận động thể lực cho người dân, Chương trình nêu rõ việc hỗ trợ người dân tăng cường vận động thể lực theo khuyến cáo: Phát động phong trào 10.000 bước chân mỗi ngày để vận động, khuyến khích, hỗ trợ cho người dân tham gia và duy trì thói quen vận động thể lực bằng hình thức đi bộ.
Tổ chức các hình thức vận động thể lực, thể dục giữa giờ phù hợp cho người lao động tại nơi làm việc, đặc biệt cho những người làm việc văn phòng... Tăng cường vận động thể chất cho trẻ em, học sinh, sinh viên bằng việc tổ chức tốt các chương trình giáo dục thể chất trong trường học…
Để thực hiện tăng cường vận động thể lực, Bộ Y tế đã giới thiệu bài tập thể dục giữa giờ gồm 11 động tác vận động. Theo ông Trương Đình Bắc, tăng cường thể lực với người dân Việt Nam là rất cần thiết và bài tập thể dục là bài tập khởi động cho tuyên truyền để mọi người dân tham gia tập thể dục và tăng cường vận động.
“Bài tập dựa trên bài gốc của Nhật Bản do Tổ chức Y tế thế giới cung cấp. Bộ trưởng Bộ Y tế và các đơn vị đều thấy bài này phù hợp để quảng bá và kêu gọi tăng cường thể thao nói chung, trong đó có thể dục giữa giờ. Dựa trên bài tập của Nhật, chúng tôi tin rằng bài tập có cơ sở khoa học hoàn toàn phù hợp”, ông Bắc khẳng định.