Bộ Y tế vượt cả 3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Y tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều nhiệm vụ quan trọng sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024.

Tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức ngày 9/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá: Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, sự cố gắng phấn đấu vượt khó khăn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Y tế, công tác y tế năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, các chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2023 đều đạt. Trong năm 2023, ngành y tế đã thực hiện vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao (đạt 12,5 bác sĩ trên 10.000 dân; 32 giường bệnh trên 10.000 dân; 93,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); thực hiện đạt và vượt 7/9 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao.

Các thể chế chính sách, văn bản pháp luật được rà soát, sửa đổi, bổ sung không chỉ giải quyết các vướng mắc, bất cập trước mắt mà còn các chính sách phát triển dài hạn của ngành y tế. Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và 02 Nghị quyết; Ban Bí thư ban hành 01 Chỉ thị; Chính phủ ban hành 05 Nghị định, 06 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 Quyết định; Bộ Y tế ban hành 34 Thông tư theo thẩm quyền. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số Chiến lược quan trọng: Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Đại dịch COVID 19 được kiểm soát, từ ngày 20/10/2023 điều chỉnh bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát; tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo và duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng. Năm 2023, không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A như H5N1, H7N9, Mer-CoV, Ebola…

Bộ Y tế cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc, xử lý các vi phạm. Trong năm 2023, Bộ Y tế triển khai tổng số 22 đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thanh tra của Bộ Y tế; đã ban hành 05 Kết luận thanh tra, ban hành 32 Quyết định xử lý vi phạm hành chính. Thực hiện công tác tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kịp thời và công khai kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Bộ Y tế đã nhận và xử lý 964 đơn trong đó có: 135 đơn khiếu nại, 221 đơn tố cáo, 608 đơn kiến nghị, phản ánh của công dân thuộc lĩnh vực liên quan đến y tế.

Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đã phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Toàn Ngành y tế đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí đã tạo phong trào thi đua trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh; đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, đề án bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế trên 90%. Ngày 31/12, Bộ Y tế đã ban hành Nghị định, Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, giúp tháo gỡ 1 số vướng mắc về cơ chế mượn trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc và cơ chế vay vốn đầu tư đối với bệnh viện công lập; các quy định đối với người hành nghề và đối với người bệnh.

Bên cạnh đó, toàn ngành Y tế tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bảo đảm tinh gọn, giảm đầu mối, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được Chính phủ giao. Đẩy mạnh quản lý sức khỏe toàn dân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, người lao động; tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHYT và phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT tại địa phương. Thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển y dược cổ truyền. Công tác dân số, an toàn thực phẩm, quản lý môi trường y tế, đào tạo phát triển nhân lực y tế, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số y tế; y tế cơ sở... tiếp tục được đẩy mạnh, Bộ Y tế đứng đầu các Bộ về số lượng thủ tục hành chính cắt giảm.

Bộ Y tế tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo ngành y tế; đẩy mạnh thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh công tác phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng, xây dựng cộng đồng an toàn và phòng chống đuối nước, tai nạn giao thông, y tế trường học, tăng cường gắn kết y tế cơ sở với y tế trường học; tiếp tục duy trì ổn định hoạt động cung cấp dịch vụ, mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, sức khỏe sinh sản, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tai biến sản khoa, tăng cường chất lượng các dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau sinh và các dịch vụ sức khỏe sinh sản.

Trong lĩnh vực hội nhập y tế quốc tế, trong năm 2023, ngành Y tế tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác song phương, chú trọng xây dựng đối ngoại đa phương; tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp Quốc, ASEAN, APEC, WHO … nhằm nâng cao vai trò, vị thế của y tế Việt Nam.

Trong lĩnh vực truyền thông và thông tin y tế, Bộ Y tế đã Ban hành Nghị quyết của Ban cán sự đảng Bộ Y tế về chuyển đổi số y tế đến năm 2025; xây dựng Nghị định quy định quản lý dữ liệu về y tế..., Đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường phối hợp với với các các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, truyền thông… để quản lý và cung cấp thông tin y tế chính xác, thống nhất, hiệu quả; tăng cường năng lực chuyên môn cho mạng lưới truyền thông - giáo dục sức khỏe tuyến tỉnh, thành phố.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Y tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập cần khắc phục. Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, trong thời gian tới ngành Y tế sẽ tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm; tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân tạo được sự hài lòng của người bệnh.

Ngành Y tế cũng triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế; thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý dược, thực phẩm, trang thiết bị y tế; nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị y tế.

Bộ Y tế cũng tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới; tăng cường vai trò, vị thế của y tế Việt Nam trên trường quốc tế; thúc đẩy các hợp tác song phương, đa phương, thu hút nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật từ các nước phát triển; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác chuyên môn giữa các trường, viện, bệnh viện với các quốc gia trên thế giới.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.